Ngành thép hưởng lợi từ đầu tư công ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Ngày 15/5, CTCP Tập đoàn Hòa Phát tổ chức cuộc họp các nhà phân tích (analyst meeting) trước thềm đại hội cổ đông 2020 diễn ra vào tháng 6.
Đánh giá về tác động của Covid-19, Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng ngành thép ít bị ảnh hưởng, sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Gói đầu tư công 700.000 tỷ của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường xá cầu cống, thì thép sẽ tiêu thụ tương đối tốt. "2020 tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm", ông Long nhận định.
Ông Long cũng chia sẻ, năm 2019 Hòa Phát đóng góp ngân sách gần 7.000 tỷ, tương đương một tỉnh xếp thứ 40 của Việt Nam, do đó với vai trò là doanh nghiệp lớn, Hòa Phát sẽ không xin mà mình phải có trách nhiệm đóng góp nữa, chỉ mong chế độ chính sách nhất quán, lâu dài tạo điều kiện cho doanh nghiệp. "Chính phủ Việt Nam đã làm quá tốt, không có gì phải bàn, còn chủ trương của Hòa Phát từ trước tới giờ là khó khăn nào cũng phải vượt qua".
Về khó khăn do đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã mở cửa, nhưng một số nước hiện nay chưa cho đi, nên tiến độ HRC phụ thuộc chuyên gia nhiều. Theo tiết lộ của ông Long, Hòa Phát tìm cách thậm chí tính đến việc thuê máy bay charter để đưa chuyên gia sang. Dự tính HRC sẽ chạy thử trong tháng 6 và tháng 8-9 sẽ chạy thương mại được, tháng 9 HRC sẽ đóng góp cho doanh thu và lợi nhuận.
Năm 2020, Hòa Phát dự kiến lợi nhuận 9.000 - 10.000 tỷ đồng
So tác động của Covid, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu từ 85.000 – 90.000 tỷ đồng (tăng 31-39% so với thực hiện năm 2019 là 64.677 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đặt kế hoạch từ 9.000 – 10.000 tỷ (tăng từ 18-32% so với thực hiện 2019 là 7.578 tỷ). Chủ tịch Trần Đình Long cho biết kế hoạch này cần phải trình HĐQT thông qua trước khi trình ra ĐHCĐ vào tháng 6.
Quý I/2020 Hòa Phát xuất khẩu rất mạnh trong đó có xuất khẩu phôi sang Trung Quốc. Theo ông Long, việc Hòa Phát tiếp cận được thị trường Trung Quốc "là một phép thử tuyệt vời, vì vào được thị trường Trung Quốc là không còn gì để nói nữa. Trung Quốc là một cường quốc sản xuất 60% sản lượng thép của toàn thế giới, mà Hòa Phát vào được cho thấy sức cạnh tranh tốt như thế nào". Tuy nhiên chính sách của Hòa Phát không bỏ hết vào một giỏ nên Tập đoàn phát triển các thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
"Quan trọng là giá mình có cạnh tranh không, đấy là gốc rễ của vấn đề", ông Long nói. "Công đoạn càng ngắn, margin càng thấp, nhưng tôi khẳng định xuất khẩu phôi có lãi, theo giá thị trường, tất nhiên là không cao như thép thành phẩm, nhưng quan trọng nhất là xuất đi được sang Trung Quốc".
Tuy nhiên ông Long khẳng định thị trường chính của Hòa Phát là nội địa chứ không phải xuất khẩu.
Khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động, thì Hòa Phát sẽ là công ty thép lớn nhất Việt Nam
Một chuyên viên phân tích đặt câu hỏi về tiêu thụ quặng trong nước, ông Long liên hệ sang Formosa, "Cách đây 3-4 cuộc gặp cổ đông trước đây, chúng tôi đã nói mọi sự so sánh Hòa Phát với Formosa hơi khiên cưỡng, đến 2021 khi 4 lò cao của Hòa Phát đi vào hoạt động thì Hòa Phát sẽ lớn nhất Việt Nam chứ không phải Formosa với 8 triệu tấn thép thô/năm, Formosa sản xuất 6,5 triệu tấn".
Với quy mô như vậy mỗi năm tập đoàn sẽ tiêu thụ khoảng 13 triệu tấn quặng, khi đó nhu cầu quặng sắt dựa hoàn toàn vào nhập khẩu.
Một điểm "thiên thời, địa lợi" của Hòa Phát là hiện tại giá nguyên vật liệu đều xuống thấp so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi than chiếm 35-40%, quặng chiếm 30-35% giá thành sản xuất, thì với những khu liên hợp làm từ thượng nguồn như Hải Dương hay Dung Quất sẽ có giá rất cạnh tranh.