Vào lúc 17h17 ngày 14/10/2019, Gói thầu Mua sắm sữa tươi tiệt trùng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 giai đoạn học kỳ 1 năm học 2019 - 2020 trên địa bàn 10 quận, huyện của TP.HCM đã hoàn thành việc mở hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thông qua đấu thầu rộng rãi, các nhà thầu có thực lực đã bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt về giá. Gói thầu Mua sắm sữa tươi tiệt trùng tại TPHCM các nhà thầu có thực lực đã bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt về giá. Vinamilk bỏ giá thấp hơn TH Milk gần 9 tỷ đồng Gói thầu nêu trên do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM làm bên mời thầu (BMT). Theo biên bản mở HSĐXTC, có hai nhà thầu vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) để vào bước đánh giá HSĐXTC. Hai nhà thầu này gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk).
Đây tiếp tục là “cuộc chiến” căng thẳng giữa hai nhà thầu đang chiếm lĩnh thị phần sữa tươi lớn nhất của Việt Nam. Theo BMT, giá dự thầu của Vinamilk là 120.659.808.500 đồng, của TH Milk là 129.634.505.000 đồng. Các nhà thầu đều không có thư giảm giá kèm theo. Cả hai nhà thầu đều cung cấp thư bảo lãnh dự thầu của ngân hàng có giá trị 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu lực của bảo đảm dự thầu mà Vinamilk cung cấp là 250 ngày, của TH Milk là 210 ngày.
Được biết, gói thầu nêu trên áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước, phương pháp đánh giá về kỹ thuật theo tiêu chí đạt/không đạt; phương pháp đánh giá về giá là giá thấp nhất. Với việc bỏ giá thấp hơn đối thủ gần 9 tỷ đồng, Vinamilk đang có khả năng trúng thầu rất lớn nếu quá trình thương thảo hợp đồng, ký thỏa thuận khung thuận lợi.
Trước đó, ngày 28/8/2019, HSĐXKT đã được mở trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo Biên bản mở HSĐXKT, có 3 nhà thầu tham dự thầu, gồm: Vinamilk, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huyền Linh (Công ty Huyền Linh) và TH Milk. Cả 3 nhà thầu đều có thời gian thực hiện hợp đồng là 4 tháng, hiệu lực HSĐXKT là 180 ngày. Theo BMT, quá trình đánh giá HSĐXKT đã loại Công ty Huyền Linh ở giai đoạn này. Từ đó, hai nhà thầu Vinamilk và TH Milk bước vào cuộc đua về giá một cách gay cấn. Áp lực triển khai gói thầu rất lớn Tại TP.HCM, từ năm học 2019 - 2020, trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 trong các trường công lập, ngoài công lập, mẫu giáo tư thục; trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường học tham gia
Đề án Chương trình Sữa học đường được cung cấp 1 hộp sữa dung tích 180 ml/lần/ngày với 5 lần/tuần.
Theo hồ sơ mời thầu (E-HSMT), gói thầu nêu trên sẽ thực hiện ở địa bàn 10 quận, huyện của TP.HCM, gồm: Quận 9, Quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, với 255.880 trẻ tham gia. Gói thầu là “phép thử” quan trọng để hai “ông lớn” ngành sữa chuẩn bị cho việc tổ chức đấu thầu sữa học đường giai đoạn đại trà toàn Thành phố trong thời gian tới.
Dự kiến, kinh phí thực hiện trong năm 2018 - 2020 là 1.134 tỉ đồng, trong đó ngân sách Thành phố hơn 348 tỉ đồng (30%), cha mẹ học sinh đóng góp trên 547 tỉ đồng (50%) và doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp 239 tỉ đồng (20%).
Thông tin với Báo Đấu thầu, đại diện BMT cho biết, do gói thầu cung cấp sữa cho học sinh giai đoạn học kỳ 1 năm học 2019 - 2020 nên áp lực với BMT, đơn vị trúng thầu tại thời điểm này là rất lớn. “Việc hai nhà thầu lớn cùng bước vào vòng đánh giá về giá đã tạo ra điều kiện thuận lợi để Thành phố lựa chọn được đơn vị uy tín, đồng thời giúp tiết kiệm được ngân sách rất lớn thông qua đấu thầu rộng rãi. Ngay sau khi đánh giá, thẩm định kết quả mở HSĐXTC, chúng tôi sẽ sớm công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình thương thảo hợp đồng với nhà thầu và tiến hành ký thỏa thuận khung. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ chính là đẩy nhanh tiến độ cung cấp sữa làm sao để trẻ em TP.HCM sớm được uống sữa theo Đề án Sữa học đường” - đại diện BMT chia sẻ.
Theo Báo Đấu thầu