Cụ thể, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã chứng khoán: VTP) dự kiến phát hành hơn 1,17 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 2% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành, cho cán bộ, nhân viên công ty. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.
Giá phát hành được xác định không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu trên báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 30/9/2019 và được Viettel Post xác định là 30.000 đồng/cổ phiếu. Tức hơn 1,17 triệu cổ phiếu ESOP này phát hành có giá chưa bằng 1/4 thị giá.
Theo Viettel Post, trong trường hợp người mua từ chối mua hoặc không mua hết số cổ phần được quyền mua, HĐQT sẽ hủy toàn bộ số lượng cổ phần không phát hành thành công. Số tiền thu được từ đợt phát hành, Viettel Post sẽ dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Viettel Post chính thức đưa 41,38 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM với mã chứng khoán VTP từ ngày 23/11/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 68.000 đồng/cổ phiếu tương đương mức định giá thời điểm đó vào khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.
Hơn nửa năm sau khi lên sàn, Viettel Post thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100: 41,4 bên cạnh 15% cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, công ty đã chi hơn 62 tỷ đồng và phát hành thêm 17,13 triệu cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ sau phát hành được nâng lên 585 tỷ đồng.
Nhân viên Viettel Post chưa giao dịch nhận "quà Tết" sớm thì cổ phiếu VTP đã đi thụt lùi! (Ảnh mang tính chất minh họa) |
Trên thị trường, cổ phiếu VTP đi lên tích cực từ sau khi lên sàn và đạt đỉnh hơn 150.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) cùng thời điểm thực hiện chia cổ tức. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu VTP không “đứng” tại mức đỉnh này lâu và có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đáng chú ý, trong tuần qua, cổ phiếu VTP có giá ở mức 125.100 đồng/cổ phiếu trong ngày 25/11 – là mức cao nhất ghi nhận trong tuần. Nhưng những ngày sau đó, cổ phiếu VTP liên tiếp là các phiên giảm sàn dần đều. Ngày 26/11, cổ phiếu VTP chỉ còn 124.900 đồng/cổ phiếu, ngày 27/11, giá chỉ còn 124.300 đồng/cổ phiếu và đến ngày 28/11 lại tụt xuống còn 122.000 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch trên sàn chứng khoán ngày 29/11, cổ phiếu VTP của Viettel Post lại tiếp tục giảm xuống ở mức 120.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, trong tuần qua, cổ phiếu VTP đã giảm sàn rõ rệt, tương đương khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh quý 3/2019, doanh thu quý 3/2019 đạt gần 2.056 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 101,51 tỷ đồng, tăng 33,16% so với cùng kỳ. Viettel Post cho biết lợi nhuận tăng là do công ty thực hiện đẩy mạnh hoạt động đầu tư đúng hướng, các chương trình xúc tiến bán hàng dẫn đến doanh thu có sự tăng trưởng mạnh. Luỹ kế 9 tháng VTP báo lãi hơn 266 tỷ đồng. EPS đạt 4.085 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, phải chăng việc Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2019, khiến cổ phiếu VTP “đo sàn” những ngày qua thực sự có tai hại? Bởi, không chỉ có Viettel Post trải qua việc này, mà mới đây, cổ phiếu MWG của “ông trùm bán lẻ” - Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã giảm tới 3,71% sau khi phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên trong công ty và các công ty con.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ