Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm gì trong vụ việc?
Như đã thông tin bài trước, thời điểm năm 2010 khi Vietinbank cấp khoản tín dụng nghìn tỉ cho TISCO II dưới sự bảo lãnh của VNSTeel, ông Phạm Huy Hùng đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho đến khi rời ghế năm 2014 để về hưu. Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thắng làm Giám đốc Vietinbank chi nhánh Hà Nội đã ký hợp đồng số 01/HĐTD-TISCO ngày 25/1/2010 để cho Công ty Gang thép Thái Nguyên vay hơn 1.600 tỷ đồng thực hiện Dự án mở rộng dự án giai đoạn 2. Ông Nguyễn Văn Thắng hiện đang là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Thắng -nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh Hà Nội hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Hồ sơ cá nhân của ông Thắng cho thấy, từ tháng 1/2010 đến tháng 5/2011, ông Thắng là Giám đốc VietinBank chi nhánh thành phố Hà Nội. Từ tháng 6/2011 đến ngày 25/12/2011, ông là thành viên hội đồng quản trị, Quyền Tổng giám đốc VietinBank. Từ ngày 26/12/2011 đến ngày 28/4/2014, ông là thành viên hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VietinBank, năm 2014, sau khi ông Phạm Huy Hùng Chủ tịch HĐQT Vietinbank “hạ cánh”, ngày 29/4/2014 ông Thắng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank.
Tháng 7/2018, ông Thắng được luân chuyển về Quảng Ninh và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII (nhiệm kỳ 2016 - 2021). Mới đây, ngày 18/7/2019, Thủ tướng chính phủ có quyết định phê chuẩn ông Thắng làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021.
Những ngân hàng mắc kẹt nghìn tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3/2019, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco -UPCoM: TIS) ghi nhận doanh thu đạt 7.678 tỷ đồng, lợi nhuân sau thuế đạt 40 tỷ; dư nợ gốc vay ngân hàng 750 tỷ đồng, tuy nhiên dư nợ vay của TISCO vẫn còn rất lớn, vay nợ ngắn hạn còn 2.424 tỷ đồng và vay nợ dài hạn còn 2.553 tỷ đồng.
Mặc dù, dư vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn quý 3/2019 tiếp tục giảm so với quý 2/2019. Thời điểm 30/6/2019, vay ngắn hạn của TISCO là 2.674 tỷ đồng và vay dài hạn là 2.593 tỷ đồng bao gồm các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn là 1.865 tỷ đồng, vay dài hạn, 368,5 tỷ đồng vay và vay quá hạn 606,4 tỷ đồng.
Các khoản vay quá hạn là các khoản vay của Vietinbank và ngân hàng phát triển (VDB) khu vực Bắc Cạn - chi nhánh Thái nguyên. Đây là các khoản vay liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 gồm 809,5 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.225 tỷ đồng vay dài hạn và 434,8 tỷ đồng vay quá hạn.
Tình hình dư nợ hiện nay, Gang thép Thái Nguyên đang có hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng gồm VietinBank, MBbank, BIDV và INDOVINA. Hiện, Tisco duy trì khoảng 10.600 đến 10.800 tỉ đồng dư nợ.
Liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2 có tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang là hơn 5.286 tỷ đồng thì tổng dư nợ các khoản vay đến cuối 2018 là 3.031 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay tại VietinBank có số dư gốc vay là 1.895 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển (VDB) cho vay 1.136 tỷ đồng.
Về các khoản cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tổng vay ngắn hạn của Tisco là 2.165 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị cho vay lớn nhất là BIDV với tổng dư nợ gốc đến cuối 2018 là hơn 1.018 tỷ đồng; tiếp đến VietinBank với 645 tỷ đồng, Indovina là 268 tỷ và MBBank hơn 233 tỷ đồng. Tổng vay dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh là 521 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV vẫn là đơn vị cho vay lớn nhất với tổng dự nợ 377 tỷ đồng; tiếp đến là VietinBank với 59 tỷ, Agribank là 47 tỷ và VDB 36 tỷ đồng.
Năm 2019, VietinBank đã bán nợ cho vay Tisco cho VAMC, như vậy Tisco khả năng đối mặt với việc chuyển hoá nợ sang nhóm 5. Việc VietinBank chuyển nhóm nợ gây khó khăn lớn cho Gang thép Thái Nguyên trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp khác kèm theo chi phí vốn vay cũng tăng lên. Tuy nhiên, dù bán được khoản nợ xấu nghìn tỉ của TISCO II sang VAMC thì đây cũng là chỉ là khoản rất nhỏ trong khối nợ xấu lên tới hơn 40.000 tỉ đồng mà Vietinbank khó thu hồi.
Xử lý trách nhiệm
Liên quan đến một khoản vay và giải ngân cho Tisco tại ngân hàng VDB, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân nhà băng này khi để xảy ra sai phạm.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ trên cơ sở ý kiến phê duyệt của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), TISCO đã ký hợp đồng số 21 vào ngày 13/5/2006 và các phụ lục với VDB chi nhánh Thái Nguyên giá trị 2.964 tỷ đồng. Hiện, VDB đã giải ngân số tiền 1.404 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu.
Đối với VDB Chi nhánh Thái Nguyên, trên cơ sở đề nghị của TISCO, VDB Chi nhánh Thái Nguyên giải ngân cho VINAINCON, các nhà thầu phụ khác hơn 757,5 tỷ đồng theo đơn giá điều chỉnh không đúng hợp đồng EPC số 01#. Theo cơ quan thanh tra, đến 31/12/2016, dư nợ gốc của TISCO với VDB là hơn 1.163 tỷ đồng, lãi phải trả là hơn 270 tỷ đồng.
Kết luật thanh tra nêu rõ: "Trách nhiệm thuộc về tổng giám đốc, phó giám đốc ban quản lý dự án; kế toán trưởng và các cán bộ liên quan của TISCO; giám đốc, các phó giám đốc VDB chi nhánh Thái Nguyên. Ngoài ra, còn có phần trách nhiệm của VDB trong việc kiểm tra, giám sát VDB chi nhánh Thái Nguyên" ,
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo thẩm quyền chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại VDB, VDB Chi nhánh Thái Nguyên có khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận thanh tra. Liên quan đến những khoản vay và giải ngân cho Tisco tại ngân hàng Vietinbank, cũng như tại ngân hàng VDB, các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại Vietinbank và Vietinbank chi nhánh Hà Nội.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ