Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Xử lý nợ không có khả năng thanh toán tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thế nào?

DTVN 12:32 19/01/2020

Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Nộp ngân sách hợp nhất đạt hơn 221 nghìn tỷ đồng

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết năm 2019, đa số các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động tăng đáng kể.

Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018. Một số doanh nghiệp đạt cao như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hơn 396 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 393 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5%, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hơn 20 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2018…

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 99,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu của một số sản phẩm của một số doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đạt hơn 2 tỷ USD.

Nộp ngân sách hợp nhất đạt hơn 221 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018. Trong đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty nộp cao như PVN hơn 88 nghìn tỷ đồng, tăng 50,4%, Petrolimex hơn 41,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4%, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam 11 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với năm 2018...

Mobifone cũng được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Từng bước ổn định tổ chức bộ máy

Theo ông Hùng, thời điểm hiện tại nhiều tập đoàn, tổng công ty đã trình và Ủy ban đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của 5 tập đoàn, tổng công ty.

Ủy ban cũng từng bước ổn định tổ chức bộ máy. Quan hệ công tác giữa Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đi vào nề nếp, theo đúng quy định của pháp luật, định hình ngày một rõ hơn quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầy đủ các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh hiệu quả hoạt động và công khai tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xử lý những vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư phát triển của các doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2019 đưa vào vận hành nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó có trên 4000 MW điện mặt trời; triển khai được nhiều dự án quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia trong tương lai như các nhà máy điện, các công trình lưới điện 500kV quan trọng, dự án kho cảng LNG.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành...

Khẩn trương xử lý tài sản công

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng, thời điểm hiện tại nhiều tập đoàn, tổng công ty đã trình và Ủy ban đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của 5 tập đoàn, tổng công ty.

Nhiều dự án đầu tư trong nước của doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ nặng

Năm 2020, Ủy ban sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực nhà nước giao. Đầu tư, phát triển theo kế hoạch được giao, bảo đảm có hiệu quả, phát triển bền vững. Xây dựng chiến lược phát triển 5 năm 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2035 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa theo quy định.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Phát hiện và xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; Xử lý dứt điểm nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên.

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/xu-ly-no-khong-co-kha-nang-thanh-toan-tai-cac-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-the-nao-d69150.html

Bạn đang đọc bài viết Xử lý nợ không có khả năng thanh toán tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thế nào? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp