Lũy kế cả năm 2019, NTC đạt doanh thu gần 194 tỷ đồng, giảm 63,53% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hơn 235 tỷ đồng, giảm gần 50%. So với kế hoạch đã thông qua trước đó là doanh thu 303,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130,18 tỷ đồng, năm qua, Công ty mới hoàn thành 63,92% mục tiêu doanh thu và vượt 80,52% mục tiêu lợi nhuận.
Cũng trong năm qua, Công ty đã trả cổ tức 3 lần với tổng tiền trả cổ tức là 400 tỷ đồng, NTC còn chi trả một phần chi phí dự án Khu công nghiệp mở rộng giai đoạn 2 (NTU3) với tổng tiền 150 tỷ đồng đền bù đất cho Cao su Phước Hòa (PHR) trong quý III/2019.
Tính đến thời điểm cuối năm, tổng tài sản của NTC gần 3.538 tỷ đồng, tăng 137 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh từ hơn 93 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 541,4 tỷ đồng, đây là khoản đóng góp đáng kể doanh thu cho NTC. Nhờ đó, doanh thu từ lãi tiền gửi trong năm 2019 đạt 110 tỷ đồng.
Trước đó, NTC đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 303,5 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2018, trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh giảm đến 68% và đạt hơn 134 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt chỉ 130 tỷ đồng, giảm mạnh 72% so với năm 2018. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2019 là 50%, giảm đáng kể so với mức 200% của năm 2018.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên năm 2018, công ty đạt 678,8 tỷ đồng tổng doanh thu, vượt 11% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 469,7 tỷ đồng, vượt 28,5% kế hoạch.
Trên thị trường, hiện NTC đứng ở vị trí thứ 4 về thị giá trên toàn thị trường. Đóng cửa phiên 17/1, NTC giảm 1% xuống mức 159.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 19.400 đơn vị.
Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 giảm mạnh so với quý IV/2018, NTC cho biết, do trong quý IV/2018, Công ty có 364 tỷ đồng doanh thu từ nhượng quyền dự án khu dân cư Nam Tân Uyên.
Công ty cho biết kết quả kinh doanh năm 2018 khả quan bất chấp việc công ty bỏ lỡ nhịp thu hút đầu tư. Theo phân tích của công ty, kinh tế Việt Nam năm 2018 chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc có xu hướng xoay trục đầu tư vào Việt Nam. Hưởng ứng làn sóng đầu tư vì vậy trong năm, KCN Nam Tân Uyên cũng đã đón lượng lớn khách đến tham quan, tìm hiểu đầu tư; tuy nhiên do lượng đất thương phẩm cho thuê tại KCN Nam Tân Uyên (NTC-1) và Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 1 (NTC-2) không còn, trong khi Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTC-3) vừa mới hoàn thiện hồ sơ pháp lý và chỉ có thể cho thuê từ giữa năm 2019, do đó lỡ nhịp thu hút đầu tư.
Mộc Diệp (TH)/ Sở hữu trí tuệ