Ngày 19/2, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết sẽ tiến hành thoái vốn tại 13 doanh nghiệp thành viên trong năm 2020.
Trong đó, Vinalines sẽ giảm sở hữu một phần tại 4 doanh nghiệp là Công ty CP Vận tải biển Vosco (từ 51% xuống 49%); Công ty CP Vận tải biển Vinaship (từ 51% xuống 36%); Công ty CP Cảng Cái Lân Vinalines (từ 56,58% xuống 51%); Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao (từ 56% xuống 51%).
Cùng đó, Vinalines sẽ thoái vốn toàn bộ tại các doanh nghiệp khác, là những doanh nghiệp vận tải biển, trong đó, có doanh nghiệp Vinalines đang giữ tới hơn 98% cổ phần như Công ty CP Vinalines Nha Trang.
“Với kế hoạch thực hiện thoái vốn trên cộng với việc thanh lý tàu và ảnh hưởng giảm thị phần dịch vụ tạm nhập tái xuất của khách hàng nên năm 2020, dự kiến doanh thu hợp nhất của Tổng công ty khoảng 10.315 tỷ đồng, giảm 14,5% so với năm 2019”, đại diện Vinalines thông tin.
Theo Vinalines, tính từ năm 2013 (giai đoạn Vinalines bắt đầu tái cơ cấu), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thực hiện thoái vốn rất nhiều doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp của Vinalines giảm từ 73 doanh nghiệp xuống còn 35 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, bao gồm cả Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn mới được Vinalines tiếp nhận lại từ tháng 6/2019).
Không thoát khỏi thua lỗ, lỗ luỹ kế của Vinalines đẩy lên gần 3.641 tỷ đồng
Bộ Tài Chính mới đây đã có Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong số những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty 15 là 3 đơn vị ghi nhận những khoản lỗ đáng kể trong báo cáo tài chính với số lỗ lượt là 617 tỷ, 37 tỷ và 48 tỷ đồng.
Đối với riêng Vinalines, dù đã nỗ lực giảm lỗ, thanh lý tài sản không hiệu quả, song BCTC hợp nhất quý II/2019 của doanh nghiệp vẫn cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Trụ sở tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) |
Doanh thu hợp nhất của Vinalines trong quý II/2019 đạt hơn 5.562 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, mảng vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm 2018. còn gần 2.971 tỷ đồng. Còn mảng khai thác cảng và dịch vụ cảng biển tăng hơn 15% lên gần 2.284 tỷ đồng.
Trong kỳ, Vinalines ghi nhận khoản chi phí tài chính cũng giảm 21%, xuống còn 348 tỷ đồng do đã giảm khoản chi phí lãi vay. Song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Vinalines vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi phí, ghi nhận hơn 433 tỷ đồng trong quý II/2019.
Ngoài ra, giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với doanh thu song giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp trong quý II năm nay của Vinalines đạt 768 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, trong khi thu nhập từ thanh lý tài sản cố định chỉ ở mức hơn 66 tỷ đồng thì Vinalines phải chi phí tới 442 tỷ đồng cho công tác này, tăng gấp 10 lần so với số chi cùng kỳ. Chi phí khác của Vinalines theo đó cũng tăng lên mức 456 tỷ đồng, gấp gần 7,5 lần cùng kỳ.
Trong báo cáo giải trình, Vinalines cho biết, chi phí khác tăng là do thực hiện thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lỗ sau thuế gần 424 tỷ đồng của tổng công ty này trong quý 2 vừa qua, lỗ ròng thuộc về công ty mẹ lên tới gần 496 tỷ đồng. Điều này kéo theo lỗ luỹ kế của Vinalines đến 30/6/2019 bị đẩy lên gần 3.641 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2019, Vinalines ghi nhận tổng tài sản đạt 26.040 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 3.450 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 2.630 tỷ đồng, tài sản cố định 12.765 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vinalines chỉ đạt 8.748 tỷ đồng, bằng một nửa khoản nợ phải trả. Tổng dư nợ vay và thuê tài chính của Vinalines đã lên đến 8.101 tỷ đồng.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ