Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tham vọng của ông chủ Gelex khi thâu tóm cổ phần Viglacera trước ĐHCĐ 2019

Mai Hương 17:04 19/02/2020

Đà gom cổ phiếu VGC kéo dài trong 2 năm, dừng lại vào cuối tháng 5/2019, ngay trước thềm ĐHĐCĐ của Viglacera. Đó cũng là thời điểm một đại gia máu mặt bắt đầu lộ diện.

Đại gia máu mặt bắt đầu lộ diện trước thềm ĐHĐCĐ của Viglacera

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bộ Xây dựng sẽ tiếp tục các bước thoái vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty Viglacera - CTCP trong năm 2020.

Hiện phần vốn chủ sở hữu Nhà nước tại Viglacera sau các đợt thoái vốn chỉ còn 38,85%. Điều này đã đưa Viglacera hoạt động, điều hành quản lý Tổng công ty theo mô hình công ty đại chúng.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục các bước thoái vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty Viglacera - CTCP trong năm 2020.

Nửa sau năm 2017, giao dịch cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera từ chỗ khá trầm lắng với vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị, thì bắt đầu xuất hiện lác đác các phiên có khối lượng nhiều triệu cổ phần, cả khớp lệnh lẫn thoả thuận. Nguồn cầu bất ngờ trỗi dậy, khiến thị trường lờ mờ đồn đoán về một cuộc thâu tóm, trong bối cảnh Bộ Xây dựng công khai ý định thoái hết vốn.

Trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã đăng ký thoái vốn VGC với mức giá 23.000 đồng/cp nhưng không thành công. Năm 2019, Bộ Xây dựng tiếp tục đăng ký với mức giá 23.000 đồng/cp nhưng cũng không thoái hết được lượng chào bán.

Theo đó, trong tháng 4/2019, Bộ Xây dựng đã bán ra 69 triệu cổ phiếu với mức giá 23.000 đồng/cp, tương ứng giá trị 1.587 tỷ đồng cho nhóm cổ đông Gelex (GEX). Sau giao dịch này, Bộ Xây dựng hiện còn nắm giữ 173 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38,6% cổ phần.

Giá cổ phiếu VGC cứ tăng dần, qua đỉnh này đến đỉnh khác, tăng gấp đôi, vượt mốc 20.000 đồng/CP tháng 9/2017, rồi suýt soát mức 25.000 đồng/CP 2 tháng sau đó. Dù vậy, mã chứng khoán này vẫn miệt mài được mua bán, với "volume" dần đạt 1-3 triệu cổ phiếu, tương đương từ 0,2-1% vốn điều lệ Viglacera mỗi phiên.

Đà gom cổ phiếu VGC kéo dài trong 2 năm, chỉ dừng lại vào cuối tháng 5/2019, ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) của Viglacera. Trùng hợp, đó cũng là thời điểm một đại gia máu mặt bắt đầu lộ diện: Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).

Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex, công ty con do Gelex sở hữu 100% vốn, mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera. Sau giao dịch, thông qua công ty con, Gelex đã tăng số cổ phần nắm giữ từ 57,1 triệu cổ phiếu lên 87,1 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,74% lên 19,43%.

Như vậy, động thái trên diễn ra ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Viglacera - nơi Gelex kỳ vọng cụ thể hoá số cổ phần sở hữu bằng những chiếc "ghế" trong Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

"Con đường" nào đưa ông Nguyễn Văn Tuấn đã trở thành Chủ tịch HĐQT Viglacera?

Cuộc thoái vốn của Bộ Xây dựng diễn ra không lâu trước ĐHĐCĐ thường niên của Viglacera. Và dù chỉ bán được 16%/18% đăng ký, thì tỷ lệ sở hữu cũng giảm từ mức quá bán 54% về 38%.

Bỏ qua những nghi ngại về lợi ích nhà nước (vì sao không đấu giá toàn bộ hay bán cổ phần chi phối như Sabeco, Vinamilk), thì việc bán mạnh vốn trước thềm ĐHĐCĐ, dù vô tình hay hữu ý, đã "dọn đường" cho nhóm Gelex đưa người vào HĐQT Viglacera.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).

Nhóm Gelex chưa nắm giữ cổ phần liên tục trong 6 tháng nên theo luật, không được đề cử người vào HĐQT. Dù vậy, họ vẫn có 2 đại diện trong HĐQT nhiệm kỳ mới bằng một "con đường" khác.

Bộ Xây dựng có 38% vốn, theo Điều lệ có thể đề cử 3 người, nhưng chỉ đề cử 2 người là ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Trần Ngọc Anh. Ông Luyện Công Minh được một nhóm cổ đông sở hữu 23,3 triệu cổ phần (5,19% vốn) đề cử.

Hai vị trí bỏ trống còn lại, được HĐQT nhiệm kỳ cũ giới thiệu 2 ứng viên là ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Đỗ Thị Phương Lan - Chủ tịch và Phó Chủ tịch Gelex. Việc giới thiệu dựa trên văn bản đề cử của nhóm cổ đông sở hữu 147,55 triệu cổ phần (32,91% vốn) Viglacera ngày 19/6/2019.

Cần biết rằng, văn bản này chỉ mang tính đề xuất, chứ không có giá trị pháp lý, bởi như đã đề cập, nhóm Gelex chưa sở hữu cổ phiếu VGC đủ thời gian quy định để tự đề cử.

Kết quả bỏ phiếu, 2 đại diện của Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn có 588,2 triệu phiếu, bà Đỗ Thị Phương Lan là 193,2 triệu phiếu, 2 đại diện của Bộ Xây dựng là ông Trần Ngọc Anh có 308 triệu phiếu, ông Nguyễn Anh Tuấn có 458 triệu phiếu, trong khi ông Luyện Công Minh có 268,3 triệu phiếu.

HĐQT nhiệm kỳ mới 2019-2024 đã họp ngay sau đó và bầu ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT Viglacera. Quyết định này, theo Điều lệ và Quy chế Quản trị nội bộ, phải được quá bán, tức là ít nhất 3/5 Thành viên HĐQT chấp thuận. Bởi vậy, có hay không cái "gật đầu" của Bộ Xây dựng, thì doanh nhân sinh năm 1984 cũng hoàn toàn có thể đảm trách vị trí cao nhất trong HĐQT Viglacera.

Như vậy, ông Nguyễn Văn Tuấn được bầu là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Gelex mặc dù không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu GEX nào, song cổ đông lớn nhất của Gelex lại có liên quan tới doanh nhân này.

Một chi tiết nữa cần lưu ý, là tỷ lệ sở hữu "thực" của nhóm Gelex phần nào thể hiện qua số phiếu 2 đại diện của họ nhận được. Theo thể thức bầu dồn phiếu, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Gelex nhận được tổng cộng 781,5 triệu phiếu, tương đương 156,3 triệu cổ phần, hay 35% cổ phần Viglacera.

Cũng với cách tính toán này, 2 đại diện của Bộ Xây dựng chỉ nhận được 766 triệu phiếu, hay 153,2 triệu cổ phần, thấp hơn 20 triệu cổ phần so với thực sở hữu (173 triệu cổ phần). Không rõ số cổ phần này đã bị "vô tình" quên đi, hay còn được dành để bỏ cho thành viên nào khác?!

Ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984, quê Hà Nam. Ông Tuấn lần đầu tiên giữ chức vụ cao tại các doanh nghiệp vào năm 2013 khi được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT của Fecon.

Sau đó, ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ khác như Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD; Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV thiết bị điện; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dây cáp điện Việt Nam (CAV).

Năm 2016, ông được bầu làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX). Tháng 1/2018, ông được bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch HĐQT Gelex.

Vào tháng 6/2019, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) đã nhất trí bầu ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Được biết, mẹ của ông Tuấn là bà Đào Thị Lơ – người đang sở hữu 23% cổ phần trong Công ty TNHH Thiết bị và Xây lắp Huy Hoàng. Công ty này có vốn điều lệ 952 tỷ đồng, trụ sở chính tại thành phố Thái Nguyên. Đáng chú ý, Công ty Huy Hoàng lại là chủ sở hữu của GEX và hiện đang là cổ đông lớn nhất của GEX với tỷ lệ 23,14%.

Ngoài ra, vợ của ông Tuấn là bà Dương Thị Hồng Hạnh cũng sở hữu 51% Công ty Huy Hoàng. Như vậy, 2 người phụ nữ quyền lực trong gia đình của ông Nguyễn Văn Tuấn đều đang nắm quyền chi phối công ty là cổ đông lớn nhất của Gelex.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tham-vong-cua-ong-chu-gelex-khi-thau-tom-co-phan-viglacera-truoc-dhcd-2019-d70471.html

Bạn đang đọc bài viết Tham vọng của ông chủ Gelex khi thâu tóm cổ phần Viglacera trước ĐHCĐ 2019 tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp