Beton 6 - Doanh nghiệp hơn 60 năm tuổi đã làm thủ tục phá sản
Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Công ty Beton 6 (UPCoM: BT6) vừa công bố cho thấy tình hình kinh doanh rất khó khăn. Ông Vương Đức Thiên - Trưởng phòng Pháp lí CTCP Beton 6 (Mã: BT6) cho biết doanh nghiệp này đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết.
Beton 6 đang lâm vào cảnh bế tắc, khó khăn về tài chính, ngay khoản trợ cấp cho người lao động sau khi thôi việc cũng chưa được trả hết. Thực tế, thông tin beton 6 nộp đơn phá sản được lộ ra hồi đầu tháng 5/2020 khi khoảng 70 lao động từng làm việc tại Công ty cổ phần Beton 6 nhiều năm nhưng chưa được trả tiền trợ cấp theo quy định đã đến trụ sở công ty này tại Dĩ An, Bình Dương để đòi quyền lợi.
Từ năm 2015, Beton 6 đã chủ động hủy niêm yết nhằm mục đích cơ cấu gia tăng hiệu quả. Nhưng thực tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại kể từ đó xuống dốc không phanh.
Trong báo cáo tài chính quý III/2019, kết thúc ngày 30/9/2019, Beton 6 hé lộ tình hình hoạt động hết sức khó khăn. Doanh thu sau 3 quí chỉ đạt 30,5 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kì. Giá vốn vượt doanh thu 11 tỉ đồng, trong khi chi phí lãi vay vẫn ở mức hơn 26 tỉ đồng. Dù khi phí vận hành doanh nghiệp được cắt giảm mạnh, nhưng cũng không giúp Beton 6 tránh khỏi khoản lỗ ròng 42 tỉ đồng. Những dấu hiệu dự báo năm thứ ba tiếp tục thua lỗ nặng tại công ty này.
Tại báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất mà Beton 6 công bố (6 tháng 2019), Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C nhấn mạnh rằng, công ty không thể sử dụng hóa đơn theo quyết định của Cục thuế tỉnh Bình Dương do không chấp hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp...
Một số dự án lớn của công ty đã ký cũng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, số lượng đơn hàng xây dựng giảm, nguồn vốn bị thiếu hụt, áp lực từ các chủ nợ (đa phần đã nộp đơn đến Tòa án yêu cầu Beton 6 phải thanh toán nợ cũ), mua hàng hóa phải thanh toán trước 100%…
Như vậy, doanh nghiệp sản xuất bê tông giàu truyền thống hơn 60 năm tuổi đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Nhiều khoản vay ngân hàng đã tồn tại nhiều năm
Ngoài ra, dù Tòa án đã mở thủ tục phá sản, tuy nhiên công ty chưa thực hiện đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ theo quy định, trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục với các bằng chứng hiện có nên kiểm toán không thể đánh giá được giá trị tài sản và nợ tại cuối năm 2019.
Beton 6 đang có nhiều khoản vay ngân hàng đã tồn tại trong nhiều năm, tổng dư nợ vay cuối năm 2019 là 352 tỷ đồng.
Trong đó nặng nề nhất phải kể đến trường hợp của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CN1 TP HCM) dư nợ 188 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (CN TP HCM) dư nợ 63 tỉ đồng; Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (CN TP HCM) dư nợ 64 tỉ đồng; hay như Ngân hàng TMCP Quốc Dân dư nợ gần 30 tỉ đồng.
Đây là những khoản vay ngắn hạn nhưng tồn tại trên bảng cân đối kế toán của Beton 6 nhiều năm liền do doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Khoản vay nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động đảm bảo bằng khoản phải thu khách hàng, quyền đòi nợ hay thậm chí là tín chấp.
Ngoài các ngân hàng, khoản phải của Beton 6 với các nhà cung cấp cũng không hề nhỏ với giá trị trên trăm tỉ đồng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam vừa có thông báo xử lý khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ của CTCP Beton 6. VietinBank không đưa ra mức giá bán cụ thể mà để cá nhân hoặc tổ chức gửi hồ sơ chào mua ghi rõ giá. Trước đó, tháng 11/2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng đã rao bán khoản nợ của BT 6.
Beton 6 cũng vừa thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Sergei Savrukhin kể từ 6/8 theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Quang Minh vào vị trí thay thế. HĐQT hiện bao gồm 5 thành viên, trong đó ông Trịnh Thanh Huy vẫn tại nhiệm là thành viên HĐQT không điều hành.
Ông Trịnh Thanh Huy cũng là lãnh đạo cao cấp duy nhất của Công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay. Thực tế, trước cuộc bầu cử năm 2019 thì tên tuổi của Beton 6 trong 10 năm gần đây đã gắn liền với ông Trịnh Thanh Huy. Cuối năm 2019, ông Huy cùng gia đình sở hữu khoảng 6,7% cổ phần Beton 6.
Ông Huy (sinh năm 1970), từng học tại Học viện kỹ thuật quân sự tại Việt Nam và Nga. Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan tại Nga (sau đó là Masan tại Việt Nam). Ông Huy từng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan từ năm 1997 đến năm 2002.
Năm 2006, ông Huy tham gia thành lập công ty Bình Thiên An – chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bình Thiên An được biết đến là một phần của Kusto Group, tập đoàn đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam như Coteccons, Gemadept, CTCP Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VCM) – đã bán cho Tập đoàn SCG.
Hiện công ty vẫn đang duy trì hoạt động theo đơn hàng nhưng được sự giám sát của cơ quan chức năng; lực lượng lao động từ hàng nghìn người giảm còn dưới 200 người.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ