Lãnh đạo sở chỉ đạo không trả lời và cung cấp thông tin
Trong nền kinh tế thị trường thì thuận mua vừa bán là nguyên tắc cơ bản. Nhìn lại các gói thầu cung cấp đồ chơi, thiết bị trường học mà Công ty TNHH NSJ đã trúng thì trách nhiệm cuối cùng về sử dụng tiền đầu tư thuộc về các chủ đầu tư, tức là các Sở Giáo dục đào tạo vì đây là nơi có trách nhiệm xây dựng giá các gói thầu làm sao để không thất thoát ngân sách Nhà nước.
Bản chất của đấu thầu là công khai, minh bạch. Sau năm 2016, Chính phủ triển khai đấu thầu rộng rãi qua mạng thì công tác đấu thầu càng công khai hơn nữa. Vì vậy, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và báo chí là việc làm hoàn toàn bình thường.
Quay lại câu chuyện của NSJ trúng các gói thầu của các Sở GDĐT mà TTV có dịp phản ánh. Khi tìm hiểu, đối chiếu giá từng sản phẩm nằm trong các gói thầu thông qua hải quan và giá của một số đơn vị bán lẻ thì phóng viên TTV đã phát hiện giá chênh lệch rất lớn. TTV muốn tìm hiểu tiền ngân sách Nhà nước-tiền đóng thuế của dân đã được sử dụng trong các gói thầu mua sắm này như thế nào, liệu có những khuất tất thông qua phương thức ăn chia rất quen thuộc là nâng giá hay không.
Sở GDĐT tỉnh Bình Dương là một địa chỉ mà TTV muốn tiếp cận. Tuy nhiên, dù bày tỏ những thái độ, cách làm thiện chí, kiên trì đúng Luật Báo chí, phóng viên TTV vẫn không thể làm việc được với Sở này vì đơn giản là “lãnh đạo Sở chỉ đạo cho cấp dưới không trả lời, không cung cấp thông tin cho báo chí.”
Sau gần 2 tháng liên hệ, ngày 28/07/2020 TTV đã có buổi làm việc với Sở GDĐT Bình Dương. Tuy nhiên, qua cuộc trao đổi nhanh bà Ngô Thị Hưởng – Phó phòng Kế hoạch Tài chính (KHTC) thông báo: “Theo quy định về quản lý về số liệu của các thông tin của các gói thầu này thì Sở Giáo dục chỉ có trách nhiệm cung cấp cho những đoàn thanh tra hoặc kiểm toán theo kế hoạch thường xuyên, đột xuất của cấp có thẩm quyền. Lãnh đạo chị nói sẽ không trả lời, cung cấp thông tin bất cứ thứ gì trong gói thầu cho cơ quan báo chí” |
Đối chiếu theo Khoản 2, Điều 38 Luật Báo chí năm 2016 có quy định rõ những thông tin không được cung cấp cho báo chí gồm:
a) Thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
b) Thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;
d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
Như vậy, xét theo Điều 38 thì báo chí hoàn toàn đủ cơ sở để tiếp cận những thông tin trên nhằm định hướng, rộng đường dư luận. Bởi lẽ, thông tin các gói thầu đều được công khai rộng rãi.
Thái độ giữ bí mật của Sở GD-ĐT Bình Dương chỉ khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có gì khuất tất, bất minh trong các gói thầu mà Sở này triển khai ?
Theo bà Ngô Thị Hưởng – Phó phòng KHTC thông báo: Lãnh đạo chỉ đạo sẽ không trả lời, hay cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. |
Ngoài nhu cầu tiếp xúc với các Sở GD-ĐT duyệt các gói thầu cho NSJ, ngày 06.07.2020, phóng viên TTV đã liên lạc và đặt lịch làm việc tại Bộ GD&ĐT. Tại đây bà Bùi Minh Thu là Phó Giám đốc Truyền thông của Bộ GD-ĐT đã trực tiếp xác nhận nhận thông tin của TTV nhưng cho đến nay qua nhiều lần liên lạc thì phóng viên chỉ nhận được sự hứa hẹn và cuối cùng là không trực tiếp gặp hoặc không liên lạc được.
Tại sao cả Bộ lẫn các Sở GDĐT đều im lặng và né tránh trả lời một việc đã từng được công khai trên chính các cổng thông tin điện tử của họ ?
Xin nói rõ, bạn đọc của TTV là những nghệ nhân, doanh nhân, người lao động, chủ hộ buôn bán rất đa dạng và đông đảo trong cả nước. Họ là những người đóng góp cho Ngân sách Nhà nước thông qua việc đóng thuế, nên họ có quyền được biết, được giám sát những khoản thuế mà họ đóng. Hơn nữa họ cũng là những phụ huynh có con cháu đang theo học tại các trường do Bộ, do các Sở GDĐT quản lý, hàng năm họ phải đóng nhiều khoản tiền cho một năm học. Họ được quyền biết những gì con em họ đang sử dụng trong nhà trường. TTV cung cấp cho bạn đọc của mình những thông tin công khai, không thuộc bí mật quốc gia này là đúng luật.
Nông dân lên phố lao động ở nhà thuê góp 9 tỉ đồng lập công ty
Như TTV đã phản ánh, NSJ vốn là một công ty non trẻ nhưng liên tiếp “đánh bại” nhiều đối thủ trong ngành để vươn lên vị trí hàng đầu trong mảng thầu giáo dục và y tế. Chỉ trong hơn 5 năm công ty này đã trúng các gói thầu từ bắc vào nam với mức giá không tưởng.
Nhưng với NSJ thì tên tuổi dường như không phải là quan trọng. Vì, sau khi có được tên tuổi lẫy lừng trên cả nước, đột ngột vào tháng 5/2020 công ty đổi tên và con dấu từ NSJ sang LTQ. Thậm chí để làm mới hơn nữa thì họ đổi luôn cả trụ sở số 72 Đường 64, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, sang địa chỉ tại số 40 Đường 62, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2.
Trong các thành viên sáng lập của Công ty LTQ đáng chú ý cái tên Đoàn Thị Nở ngụ tại tổ dân phố số 5, TT.Nam Giang, Huyện Nam Trực, Tỉnh Nam Định. Đây là một vùng quê yên bình, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Hiện tại, hai vợ chồng bà Nở đang đi làm Hà Nội, ở nhà thuê nhưng đã mạnh dạn góp vốn 9 tỷ đồng vào LTQ để đổi đời.
Nhìn vào đơn giá những mặt hàng mà NSJ chào thầu và trúng thầu có lẽ nhiều người đã sốc tại sao một chiếc xe trẻ em có thể cao đến vậy, gần bằng 1 chiếc xe đạp điện hoặc gắn máy. Cụ thể, “xe trẻ em 3 bánh kiểu xích lô” model 496.00 xuất xứ Đan Mạch theo đơn giá dự thầu của NSJ là 13.300.000 đồng, trong khi giá nhập về bao gồm thuế là 1.776.069,22 đồng /chiếc.
Xe trẻ em 3 bánh màu bạc xuất xứ Đan Mạch, model 479.74 có giá gốc 1.148.134,78 đồng/chiếc, giá trúng thầu 8.430.000 đồng. Xe trẻ em 3 bánh chở 2 người ngồi phía sau, mã số: 46800, nhãn hiệu: Winther có giá trúng thầu 13.320.000đ trong khi giá gốc là 1.603.122,38 đồng/chiếc.
Khảo sát ở một số cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Tp.HCM, các sản phẩm xe đạp có mẫu mã và kích thước tương tự có mức giá thấp hơn rất nhiều. |
Tại sao các chủ đầu tư là các Sở GDĐT chấp nhận mua các thiết bị đồ chơi cho trẻ em với giá trên trời như thế ?
NSJ nay là LTQ là ai mà có “sức mạnh” bán được hàng với giá cao ngất ngưởng cho nhiều sở GDĐT đến thế ?
Khi làm việc với một số Sở GDĐT thì các đơn vị này luôn cho rằng họ thực hiện một cách khách quan nhất có thể, đã đối chiếu với giá thị trường để đưa ra giá trị các gói thầu, tuy nhiên thị trường nào thì các đơn vị này tìm cách tránh né, không nói rõ.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền sớm có câu trả lời trước dư luận. Bởi trong một năm Chính phủ triển khai rất nhiều các gói thầu, ở tất cả các lĩnh vực nếu không giải quyết triệt để thì ai dám đảm bảo các gói thầu trên sẽ minh bạch, không lãng phí ngân sách.
Theo ttv24