Hé lộ 'cuộc chơi' thương mại đa kênh Giga1
HĐQT của CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) là tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông kĩ thuật số, từ đầu năm đến nay không giấu diếm tham vọng bước chân vào mảng thương mại, kết hợp với ưu thế rất lớn từ hệ sinh thái truyền thông mạng xã hội khổng lồ của mình.
Yeah1 đã thông qua việc phát triển mảng thương mại đa kênh M2C (manufacturer to consumer) trên thế mạnh nền tảng truyền thông từ Yeah1, với việc cấu trúc các công ty thành viên và các tài sản có liên quan, gọi chung là Giga1. Sau khi tái cấu trúc, Yeah1 có 2 mảng kinh doanh chính là truyền thống (Yeah1 Media) và thương mại đa kênh (Giga1).
Giga1 cùng mô hình kinh doanh lần đầu xuất hiện ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của Yeah1 trong thời gian tới.
Công ty cho biết Giga1 nằm trong định hướng phát triển xuyên suốt mảng thương mại đa kênh. Giga1 bao gồm: nền tảng bán hàng MEGA1, MEGA1 VIP, nền tằng loyalty liên minh, nền tảng bán hàng KOL,… Đây là một nền tảng thương mại đa kênh đi thẳng từ nhà máy sản xuất tới người tiêu dùng cuối với quyền lợi cho người tiêu dùng đến từ việc giảm đáng kể chi phí liên quan đến việc truyền thông, tiếp thị, kênh phân phối,…
Thông qua chủ trương huy động vốn cho Giga1, điều kiện tiên quyết là tỷ lệ sở hữu của Yeah1 tại pháp nhân sau khi tái cấu trúc là 75% và định giá trước khi huy động vốn xác định không thấp hơn 60 triệu USD.
Yeah1 còn phê duyệt tổng hạn mức tín dụng cho Tập đoàn và các công ty thành viên là 200 tỷ đồng, nguồn vốn bổ sung được làm vốn lưu động cho Giga1. Việc xây dựng và cấu trúc Giga1 nằm trong định hướng phát triển xuyên suốt mảng thương mại đa kênh của tập đoàn.
Sau khi được cấu trúc, Giga1 sẽ bao gồm các mảng kinh doanh và tài sản quan trọng của tập đoàn như: Nền tảng thúc đẩy bán hàng hiệu quả (Mega1, Mega1 Vip); nền tảng loyalty liên minh (Media One); nền tảng phân phối O2O (Mega1 Merchants); nền tảng bán hàng qua KOL (Celuv, SGO48, KOC); nền tảng bán hàng liên kết (Netlink, Yeah1 Publishers); nền tảng thanh toán (Ting, Ví điện tử).
Ngoài ra, HĐQT Yeah1 thông qua chủ trương ký kết hợp đồng thương mại, dịch vụ của Tập đoàn hoặc các công ty thành viên với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát và việc điều chỉnh phương án mua cổ phần của CTCP Truyền thông Trực tuyến Netlink.
Theo đó, Yeah1 sẽ mua thêm tối đa 24% cổ phần tại Netlink và sẽ sở hữu tối đa 100% cổ phần sau khi hoàn tất việc mua lại.
Yeah1 vẫn thoát lỗ
Hồi tháng 3, Yeah1 đã ký kết hợp tác với tập đoàn Tân Hiệp Phát, và với việc thông qua chiến lược phát triển Giga1, có thể hiểu rằng Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng các cộng sự sắp sửa mở rộng quy mô, tiến tới "bắt tay" với nhiều thương hiệu lớn khác.
Trong 6 tháng vừa qua, dù lỗ thuần 58 tỷ đồng nhưng nhờ lợi nhuận khác cứu cánh mà Yeah1 có lãi hơn 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 94 tỷ đồng. Yeah1 vẫn thoát lỗ nhờ chuyển nhượng 25% tỷ lệ sở hữu (trị giá 70 tỷ đồng) ứng dụng Mega1 cho một đối tác giấu tên. Đến hết quý 2, Yeah1 mới chỉ nhận được 12 tỷ đồng tiền thanh toán mua cổ phần từ đối tác này.
Riêng trong quý 2, doanh thu thuần trong quý 2 của Yeah1 lao dốc gần 49% xuống còn 178 tỷ đồng. Nhờ việc ghi nhận tới 70 tỷ đồng lợi nhuận khác, trong khi cùng kỳ âm 368 triệu đồng nên Yeah1 có lãi ròng 651 triệu đồng trong quý 2, khả quan hơn mức lỗ tới 101 tỷ của cùng kỳ.
Nửa đầu năm 2020, Yeah1 đạt doanh thu hợp nhất 438 tỷ đồng, lãi sau thuế 6,2 tỷ đồng, còn cách khá xa kế hoạch cả năm (doanh thu 1.800 tỷ đồng, lãi sau thuế 125 tỷ đồng).
Chốt phiên giao dịch sáng 11/8, giá cổ phiếu YEG trên sàn HoSE tăng 2,7% lên 50.600 đồng/CP, tương đương giá trị vốn hoá 1.418 tỷ đồng.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ