Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Ảnh hưởng của Covid-19 bóng đèn Điện Quang (DQC) ngày càng ‘kém sáng’

DTVN 10:55 12/05/2020

Mặc dù đặt kế hoạch khiêm tốn (chấp nhận đi chậm lại 1-2 năm), Bóng đèn Điện Quang (DQC) hiện cũng chỉ mới thực hiện được 50%.

Thành lập từ năm 1973, DQC là một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh các loại bóng đèn, thiết bị chiếu sáng lớn nhất cả nước. Với vị thế dẫn đầu về năng lực sản xuất, thương hiệu tên tuổi, DQC nhận được rất nhiều kỳ vọng khi kinh tế trong nước duy trì mức tăng trưởng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện khiến nhu cầu thiết bị chiếu sáng tăng theo.

Lợi nhuận 2019 về đáy 10 năm với vỏn vẹn 27 tỷ đồng

CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2019 với lợi nhuận giảm đột biến. Chi tiết, doanh thu trong kỳ Công ty đạt 228 tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm mạnh, lãi gộp theo đó tăng nhẹ lên 64 tỷ. Về mảng tài chính, doanh thu giảm trong khi chi phí tăng đột biến. Đi cùng chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế 3 lần về 34 tỷ, lợi nhuận ròng quý cuối năm chỉ còn 3,8 tỷ đồng, giảm đột biến so với mức 26 tỷ cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm, DQC ghi nhận 830 tỷ doanh thu, giảm so với mức 1.190 tỷ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, DQC thu về 27 tỷ lợi nhuận, giảm 72% so với năm 2018. Đây cũng là mức lãi thấp nhất 10 năm của Công ty.

Những năm gần đây, DQC liên tục giảm sút kinh doanh. Nguyên nhân do cạnh tranh ngành ngày càng gay gắt trước sự giảm sút nặng nề của tiêu thụ sản phẩm truyền thống, thay thế bằng xu thế chuyển sang led, bộ đèn luminare, sản phẩm thông minh (giảm dùng bóng). Chưa kể, trước đây đèn truyền thống chỉ chịu thuế nhập khẩu 25%, trong khi đèn led là thuế 0%; trong khi không thể giảm giá bán nhằm đảm bảo thương hiệu, DQC đối mặt với cạnh tranh gay gắt về giá cả.

Tổng kết trong năm 2019 , Công ty ghi nhận 825 tỷ đồng doanh thu, giảm 31% so với cùng kỳ và hoàn thành 69% kế hoạch, nguyên nhân được cho là đã chủ động ngưng sản xuất đèn huỳnh quang tube và giảm các sản phẩm truyền thống có sản lượng tiêu thụ lớn nhưng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường để tập trung nguồn lực vào những sản phẩm mới với hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh.

Đặt kế hoạch thua lỗ do lo ngại Covid-19

Bước sang năm 2020, DQC trình phương án kinh doanh với 2 kịch bản, trong đó có kịch bản kinh doanh thua lỗ.

Đối với kịch bản 1, Công ty nhận định dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ được kiểm soát và ảnh hưởng quá độ đến hết quý II; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở lại bình thường vào quý III/2020

Cụ thể, DQC tiếp tục tập trung nguồn lực vào các sản phẩm chủ lực có thế mạnh, tiêu thụ tốt. Đồng thời, điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất trên cơ sở phù hợp với diễn biến cung, cầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, đưa ra thị trường các sản phẩm và giải pháp bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng như các loại đèn diệt khuẩn UVC tích hợp cảm biến thông minh; các giải pháp ứng dụng diệt khuẩn cho thang máy, văn phòng, căn hộ, bệnh viện, trường học...

Nhóm giải pháp về tài chính, Ban lãnh đạo DQC xác định các điểm doanh thu hòa vốn, trên cơ sở đó, rà soát tổng thể và hoạch định lại toàn bộ các khoản chi phí hoạt động, ngân sách trên cơ sở sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; chủ động cắt giảm toàn bộ 20% chi phí hoạt động hiện hữu.

Đối với kịch bản 2, dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ kéo dài và ảnh hưởng quá độ hết quý III, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường từ quý IV/2020.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã nêu trong kịch bản 1, DQC còn triển khai bổ sung một số giải pháp nhằm đảm bảo chi phí duy trì hoạt động ở mức tối thiểu và lợi nhuận âm ở mức có thể chấp nhận được, cụ thể là giải pháp chủ động cắt giảm toàn bộ 30% chi phí hoạt động hiện hữu trên cơ sở.

Khi được hỏi về giải pháp cụ thể để cải thiện tình hình hiện tại, Chủ tịch HĐQT DQC - ông Hồ Quỳnh Hưng cho biết, trước đây, sản xuất đèn huỳnh quang đòi hỏi công nghệ cao nhiều hơn và việc nhập khẩu đèn huỳnh quang từ Trung Quốc về bán bị đánh thuế 25% nên chúng ta có lợi thế lớn, nhưng bây giờ nhập khẩu cũng như việc sản xuất đèn LED vô cùng dễ dàng không cần đòi hỏi công nghệ như đèn huỳnh quang đã khiến tính cạnh tranh của thị trường điện tăng lên.

Từ năm 2016, HĐQT đã nhận thấy được tình hình này, nên đã có những giải pháp khác thông qua dịch vụ và công nghệ thông minh, sau này không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn cung cấp giải pháp chiếu sáng cụ thể đến từng khác hàng.

Một giải pháp khác là chuyển hướng từ sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm có yếu tố thông minh. Trước đây, mình thành công với đèn huỳnh quang cũng là nhờ yếu tố này. Đó là lý do DQC đầu tư xây dựng nhà máy mới để bắt đầu sản xuất ra các sản phẩm thông minh.

Trong giai đoạn đầu tư cũng như nghiên cứu chưa thể hiện rõ trên kết quả kinh doanh, nhưng DQC tin rằng việc chuyển hướng này của Công ty sẽ đem lại kết quả khả quan trong tương lai.

Trong báo cáo thường niên, DQC cho thấy, với đặc thù tuổi thọ cao so với sản phẩm chiếu sáng truyền thống và sự tăng trưởng mạnh mẽ của đèn LED trong những năm gần đây đã làm giảm nhu cầu thay thế sản phẩm trong tương lai và qua đó làm tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường.

Thị trường chiếu sáng trong nước cũng đã xuất hiện sự phân hóa ngày càng lớn giữa các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, trình độ công nghệ và thương hiệu so với các doanh nghiệp còn lại.

Sự phân hóa này sẽ ngày càng rõ nét khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước liên quan đến ngành bắt đầu có hiệu lực tiến tới việc loại bỏ dần các sản phẩm chiếu sáng, thiết bị điện không chất lượng, không đảm bảo an toàn, sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, chiếu sáng outdoor, chiếu sáng trang trí, chiếu sáng nhà xưởng còn nhiều dư địa tăng trưởng và chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia do đòi hỏi cao về trình độ công nghệ.

Tái cấu trúc sang công ty cung cấp giải pháp công nghệ

Tại Đại hội năm nay, trả lời cổ đông về chiến lược kinh doanh thời gian tới, lãnh đạo DQC cho hay từ năm 2016, trong khi xu thế phát triển của chiếu sáng LED đang thể hiện ưu thế thì HĐQT Công ty đã nhận xét là mức độ cạnh tranh trong ngành chiếu sáng LED sẽ rất lớn khi rào cản kỹ thuật và thuế quan tham gia ngành là rất thấp (trước đây đối với đèn compact và đèn huỳnh quang thì công nghệ sản xuất khó tham gia hơn và có hàng rào thuế quan nên cả nước chỉ có ít đơn vị sản xuất còn lại đều nhập từ Trung Quốc với mức thuế là 25% nên Công ty có lợi thế cạnh tranh hơn). Cho nên mặc dù doanh thu đèn LED vẫn tăng trưởng nhưng lợi nhuận ngày càng giảm dần do cạnh tranh khốc liệt về giá.

Vì vậy, Công ty đã xác định chiến lược kinh doanh mới, theo đó ngoài mảng chiếu sáng LED, Công ty cần tìm ra các hướng đi mới để khai thác các thế mạnh của mình. Đó là lý do mà Công ty xây dựng chiến lược chuyển đổi từ một công ty sản xuất sản phẩm thuần túy thành đơn vị cung cấp giải pháp tổng thể và từ một công ty cung cấp sản phẩm thông thường sang cung cấp giải pháp công nghệ thông minh.

Để thực hiện chiến lược này, Công ty đã tiến hành nhiều công tác đầu tư: từ xây dựng nhà máy Điện Quang công nghệ cao đến việc tái cấu trúc hệ thống phân phối để phù hợp với định hướng mới, cũng như đầu tư mạnh cho NCPT với việc thành lập các khối công nghệ như IOT và Homcare.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/anh-huong-cua-covid-19-bong-den-dien-quang-dqc-ngay-cang-kem-sang-d75393.html

Bạn đang đọc bài viết Ảnh hưởng của Covid-19 bóng đèn Điện Quang (DQC) ngày càng ‘kém sáng’ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp