Tháng 12/2018, VinSmart chính thức trình làng với 4 dòng sản phẩm đầu tiên. Họ chỉ mất đúng 15 tháng để đưa Vsmart trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ 3 tại Việt Nam về thị phần và liên tục duy trì vị thế top 3 “ông lớn” trong thời gian dài sau đó. Sự vươn lên thần tốc này là điều mà nhiều người tin rằng ở Việt Nam, không ai làm được ngoài Vingroup.
Tuy nhiên cũng chỉ hơn một năm sau khi xác lập vị thế trong top 3 thương hiệu smartphone lớn nhất thị trường, VinSmart công bố dừng sản xuất điện thoại và TV để tập trung phát triển công nghệ cao cho VinFast. Trong vòng 12 tháng đó, họ đã kịp sản xuất và xuất sang Mỹ cho nhà mạng AT&T hơn 2 triệu chiếc smartphone, từng có thời điểm được cho là sẽ mua lại hãng điện thoại Hàn Quốc LG và vẫn đang tiến vững chắc trên thị trường. Do đó, quyết định này được cho là bất ngờ, ít nhiều tạo ra sự nuối tiếc, nhưng nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh, đây có lẽ lại là một quyết định đúng lúc và có tính chiến lược của Vingroup.
Cuộc đua smartphone, TV đã bão hòa
Không cần phải là người am hiểu về công nghệ cũng có thể nhận ra smartphone và TV là hai lĩnh vực đã bão hòa cả về thị trường lẫn công nghệ, tính năng sản phẩm. Về thị trường, miếng bánh gần như đã được các hãng công nghệ lớn trên thế giới chia xong từ nhiều năm nay. Ngoài top 3 ra thì lợi nhuận và giá trị mang lại cho các nhà sản xuất khác là thấp.
Đây cũng là lý do LG gần đây quyết định rút khỏi mảng mobile, dù là hãng công nghệ lớn thứ 2 Hàn Quốc, từng là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. Huawei cũng đang rút rất nhanh khỏi mảng sản xuất smartphone và tìm những cơ hội kinh doanh mới.
Nếu bám trụ ở mảng di động, cơ hội cho các nhà sản xuất mới như VinSmart là có nhưng rất nhỏ và sẽ phải “trầy da tróc vẩy” để cạnh tranh với hàng loạt đối thủ. Có thể hình dung được khi vươn ra thị trường quốc tế, VinSmart gần như chỉ có một con đường duy nhất là đi lên từ các phân khúc thấp để chiếm thị phần, tạo danh tiếng. Tuy nhiên, hướng đi này lại gần như không tạo ra giá trị về mặt công nghệ lẫn kinh doanh. Với phân khúc di động cao cấp, gần như không có cửa để bất cứ hãng sản xuất mới nào có thể cạnh tranh với Apple, Samsung hiện nay.
Về mặt công nghệ, cả ngành smartphone và TV hiện gần như đạt đến nút thắt khó vượt qua. Mỗi năm, các hãng chỉ tung ra được những cải tiến, nâng cấp nhỏ, không có được những bước tiến đột phá về công nghệ. Trong vài năm qua, yếu tố “wow” trên các dòng smartphone hay TV cao cấp mới ra mắt gần như đã biến mất.
Tại thị trường Việt Nam, VinSmart đã chứng minh họ có đủ khả năng cạnh tranh với các hãng di động lớn nhất, với cú “bứt tốc” chưa từng có tiền lệ, đạt 16,7% thị phần trong 15 tháng, tung ra những mẫu di động được gọi là “quốc dân” như Vsmart Joy 3, Live 4. Tuy nhiên, định hướng của Vingroup khi tham gia vào lĩnh vực công nghiệp - công nghệ luôn là thị trường toàn cầu. Do đó, ngay cả khi có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam, nó vẫn là thứ gì đó nhỏ bé so với tầm nhìn và khát vọng vươn ra thế giới của họ.
Ô tô điện mới là đích đến?
VinSmart dừng sản xuất điện thoại và TV để “tái sinh” ở một cuộc đua mới - phát triển công nghệ cho ô tô điện. Trong thông báo của VinSmart, hãng sẽ tập trung phát triển các tính năng thông tin, giải trí, dịch vụ (Infotaiment), nghiên cứu pin và hệ thống pin cho VinFast.
Nên nhớ, ô tô điện thực chất cũng là ngành công nghệ, là cuộc chơi của công nghệ chứ ko phải cơ khí ô tô truyền thống. Những ông lớn công nghệ lớn nhất trên thế giới như Google, Amazon, Apple đều đang dồn không ít tiềm lực cho sân chơi mới mẻ này. Các đối thủ trong mảng di động của VinSmart như Huawei, Oppo, Xiaomi, Sony đều đã công bố tham gia cuộc chơi xe điện theo những cách khác nhau.
So với thị trường di động hay TV đã bão hoà, ô tô điện là một lĩnh vực hoàn toàn mới, cơ hội cho những “tấm chiếu mới” như VinFast - VinSmart rõ ràng lớn hơn nhiều. Thậm chí, nếu có chiến lược hợp lý và đầu tư nguồn lực đúng đắn, hãng xe Việt hoàn toàn có cơ hội vẽ lại bản đồ thị trường ô tô điện, tạo ra nhiều giá trị về mặt công nghệ và trải nghiệm cho người dùng,
Nói về yếu tố “nguồn lực”, Vingroup chắc chắn hiểu hơn ai hết để cạnh tranh với những ông lớn số một thế giới (giờ đây là cả ông lớn ô tô và ông lớn công nghệ), họ cần tập trung nguồn lực một cách tuyệt đối như thế nào. Đó là lý do họ đã chủ động dừng các mảng kinh doanh đầy tiềm năng và có khả năng làm tốt như bán lẻ, hàng không trong vòng 2 năm qua để tập trung nguồn lực cho khát vọng bước ra thế giới của VinFast.
Dừng mảng điện thoại và TV, đồng nghĩa hãng giải phóng được một lượng lớn các kỹ sư công nghệ cao ở mảng này để tập trung nghiên cứu phát triển cho ô tô điện. Trước khi đưa ra quyết định có phần bất ngờ này, Vingroup cũng đã đóng cửa văn phòng VinFast tại Úc, kéo đội ngũ kỹ sư R&D trên thế giới về Việt Nam làm việc.
Những động thái liên tiếp này của VinFast và VinSmart cho thấy, Vingroup đang thực sự quyết tâm xây dựng một đội ngũ R&D mạnh mẽ nhất, tập trung nhất cho “đứa con cưng” VinFast. Với sự kết hợp giữa đội ngũ kỹ sư hàng đầu trên thế giới của VinFast và đội ngũ kỹ sư hiểu từng thói quen sử dụng và thị hiếu công nghệ của người dùng từ VinSmart, người tiêu dùng hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những chiếc xe thông minh, phục vụ tối đa các nhu cầu của mình trong tương lai. Quan trọng hơn, những sản phẩm này sẽ mang nhiều hàm lượng chất xám của người Việt, nhiều “chất Việt” và định hình rõ nét “chất VinFast” hơn.
Nhìn lại những bước đi của Vingroup trong thời gian qua có thể thấy nhất quán của họ trong định hướng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam thông minh, đẳng cấp, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Một bước dừng lại chiến lược để tiếp tục tiến xa hơn!