Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Dự thảo sửa đổi NĐ 52 về TMĐT: Quản lý cần song hành với hỗ trợ phát triển kinh tế số

ĐTVN 20:13 16/01/2021

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm quản lý tốt hơn hoạt động được coi là “tương lai của thị trường bán lẻ”.

Không để Quy định trở thành “rào cản ngược”

Thị trường TMĐT Việt Nam hiện quy tụ nhiều tên tuổi lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... Trong giai đoạn dịch COVID-19, tăng trưởng giao dịch của các sàn TMĐT vẫn đạt kỷ lục ở mức hai con số. Với thị trường gần 100 triệu dân, mức tăng trưởng kinh tế-xã hội ổn định, TMĐT Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” vào các sàn hàng tỷ USD đầu tư. Trong bối cảnh như vậy, không ngạc nhiên khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT được Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến lại thu hút sự quan tâm vô cùng lớn trong dư luận.

Tại Hội nghị diễn ra sáng nay, nhiều điểm trong Dự thảo sửa đổi đã được các chuyên gia đưa ra “mổ xẻ”. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia tập trung vào một số Quy định tại các Điều 36 và 67 của Quy định trong Dự thảo. Các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định 52 sửa đổi phải hướng tới việc quản lý nhưng không kìm hãm đà tăng trưởng bùng nổ của hoạt động TMĐT Việt Nam.

Hội nghị Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT nhận được sự quan tâm lớn trong dư luận.

Bà Chu Thị Hoa – Phó viện Trưởng viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư Pháp) – nêu quan điểm: “Chủ trương chính sách của Nhà nước là đẩy mạnh phát triển kinh tế số nên việc siết chặt hơn quy định sửa đổi dường như chưa thực sự phù hợp thực tiễn. Bộ Công Thương nên thận trọng trong việc sửa đổi một số điểm Nghị định 52, đặc biệt trong các vấn đề có tác động sâu sắc đến Nhà đầu tư/doanh nghiệp nước ngoài và có nguy cơ gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp”.

Chia sẻ quan điểm này, luật sư Yee Chung Seek (Đại diện Công ty Luật Baker & Mckenzie) đưa ra quan ngại về sự không rõ ràng trong khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ” theo Khoản 2b Điều 67c của Dự thảo. Ngoài ra, khái niệm “kiểm soát/chi phối” trong Khoản 3 Điều 67c của Dự Thảo cũng chưa tương thích và có điểm trùng lặp với quy định trong Luật Cạnh Tranh hiện hành".

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT sàn TMĐT Sendo).

Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT Sendo) nêu quan ngại đối với các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài theo góc nhìn của doanh nghiệp trong nước cần tiếp cận vốn để phát triển/duy trì hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Vì TMĐT là lĩnh vực cần nhiều vốn để vận hành, các doanh nghiệp Việt Nam không có công ty mẹ tiềm lực tài chính mạnh sẽ không thể phát triển và cạnh tranh được ngay chính sân nhà của mình do khả năng tiếp cận vốn bị thu hẹp ở các nhà đầu tư “thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ”. Ngoài ra quy định của Dự Thảo vô hình chung cũng loại bỏ sự tham gia của nhóm các nhà đầu tư là quỹ đầu tư nước ngoài, vốn là một trong những đối tượng nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào và có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bản địa phát triển về chiến lược, vận hành, nhân sự...

Dự thảo đặt doanh nghiệp vào “thế khó” (?)

Tại Hội nghị do VCCI tổ chức, các đại biểu tham dự cũng nêu ý kiến về Khoản 11 (a), 11 (d) và 11 (b) của Điều 36. Theo ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Truyền thông: Khoản 11 (a) của Điều 36 Quy định Sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp công cụ tra cứu thông tin liên quan đến người bán cho Cơ quan Nhà nước để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, biện pháp quản lý này mâu thuẫn với nhiều Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như điểm 1(c) Điều 17 Luật An toàn thông tin Mạng về việc bảo vệ thông tin cá nhân và Khoản 03 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015".

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Truyền thông.

Đặc biệt, Khoản 11(d) Điều 36 của Dự thảo buộc doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn nếu không đảm bảo các nghĩa vụ được quy định trong Dự Thảo. Bà Chu Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý – đánh giá: “Quan hệ giữa người bán, người mua và Sàn TMĐT là Hợp đồng ba bên. Chiếu theo Luật Thương mại thì Sàn TMĐT là trung gian thương mại và Sàn TMĐT không phải chịu trách nhiệm về sai phạm của hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn. Nếu chúng ta lo ngại việc mất kiểm soát hàng giả, hàng nhái thì chúng ta nên để các Sàn tự đưa ra bộ tiêu chí kiểm soát. Sàn TMĐT cũng không thể tồn tại nếu liên tục bị khách hàng đánh giá tiêu cực. Như vậy, nếu dự thảo đặt ra vấn đề “liên đới trách nhiệm” thì cũng cần minh bạch rõ điểm này, tránh việc áp dụng máy móc và đẩy các sàn TMĐT vào thế khó”.

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – thì nêu ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét Khoản

11 (b) Điều 36 của Dự Thảo quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT cho thương nhân, tổ chức nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT phải “có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế theo quy định”. Theo ông Cương, Việc Dự Thảo quy định về nghĩa vụ “kê khai, khấu trừ và nộp thuế” cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Sàn giao dịch thương mại điện tử đang mâu thuẫn với Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế, tạo sự chồng chéo về nghĩa vụ của các đối tượng bị điều chỉnh giữa các văn bản quy định pháp luật khác nhau.

Hội nghị khép lại ghi nhận hàng chục phát biểu của các chuyên gia, lãnh đạo các sàn TMĐT. Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: “Ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện sàn TMĐT... đều rất sâu sắc và hợp lý. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến để hoàn thiện, điều chỉnh một cách thấu đáo Dự thảo trước khi trình Chính phủ”. Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, Nghị định 52 sửa đổi phải tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, hài hòa giữa bảo vệ người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp trong thị trường TMĐT.

Lâu nay, giao dịch xuyên biên giới vẫn được xem là điểm hấp dẫn của TMĐT. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận và giao dịch các sản phẩm từ nước ngoài với giá rẻ, an toàn. Tuy nhiên, với Khoản 2, điều 67b của Dự thảo thì yếu tố này đã bị triệt tiêu rất nhiều do các điều kiện ràng buộc như phải Xác minh danh tính; phải chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam; sàn TMĐT tham gia với tư cách là bên làm dịch vụ nhập khẩu theo ủy thác... Ông Đoàn Tích Tử Phước (Trưởng đại diện MoMo tại Hà Nội) đánh giá: “Siết chặt giao dịch xuyên biên giới cũng đồng thời sẽ làm giảm sức hấp dẫn của TMĐT trong nước. Hậu quả lâu dài là các sàn TMĐT trong nước có thể phải nhường chỗ cho hoạt động của các sàn giao dịch TMĐT ở nước ngoài như Amazon hoặc Aliexpress, Facebook vốn không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và người tiêu dùng mua hàng ở các nền tảng này cũng sẽ không được hưởng chính sách bảo vệ/hỗ trợ từ sàn giao dịch TMĐT trong nước.

Theo Minh Quân/Sở Hữu Trí Tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/du-thao-sua-doi-nd-52-ve-tmdt-quan-ly-can-song-hanh-voi-ho-tro-phat-trien-kinh-te-so-d87985.html

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo sửa đổi NĐ 52 về TMĐT: Quản lý cần song hành với hỗ trợ phát triển kinh tế số tại chuyên mục Thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thương mại điện tử