Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa khá lớn
Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa khá lớn, khiến lãi suất giảm mạnh trên cả hai thị trường, và theo đánh giá của KBSV hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Quả vậy, trên thị trường liên ngân hàng, hiện lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm dao động quanh mức 0,15%/năm, giảm tới 17 điểm so với thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý; lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng chỉ khoảng 0,2%/năm, thấp hơn 13 điểm. Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng giảm mạnh so với đầu năm nay. Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng tại nhiều ngân hàng cao nhất chỉ còn 4%/năm, thậm chí còn thấp hơn mức trần của NHNN là 4,25%/năm, kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 5,5 - 6,5%/năm tuỳ thuộc số tiền gửi; kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng chỉ trên dưới 7%/năm.
Việc thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa một phần cũng bởi gần 150 nghìn tỷ đồng tín phiếu NHNN đáo hạn trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5, tương đương với việc NHNN đã bơm vào hệ thống gần 150 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân lớn nhất là do huy động vốn tăng nhanh hơn tín dụng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, tính đến ngày 29/6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,26%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng 7,36% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù NHNN không công bố số liệu về tăng trưởng huy động tại thời điểm này, song số liệu của Tổng cục Thống kê có thể cho thấy huy động vốn tăng tốt hơn nhiều. Cụ thể đến ngày 19/6, tín dụng mới tăng 2,45%, song huy động vốn tăng 4,35%.
Rõ ràng hiện đang tồn tại một nghịch lý, đó là các nhà băng thừa vốn nhưng không thể cho vay được mà nguyên nhân một phần do sức hấp thụ của nền kinh tế bị giảm sút do dịch bệnh; một phần cũng bởi các nhà băng lo ngại rủi ro nên không dám hạ chuẩn cho vay. Hệ quả là không ít doanh nghiệp không thể tiếp cận được tín dụng vì không đáp ứng được các điều kiện mà phía ngân hàng đưa ra, như tài sản đảm bảo, hay chứng minh tính khả thi của dự án kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, chứng minh dòng tiền trả nợ…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, các ngân hàng không nên thực hiện hạ chuẩn cho vay. Bởi hạ chuẩn cho vay tức là các ngân hàng phải chấp nhận nợ xấu thời điểm hiện tại và cả tương lai, đây là điều rất rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng
Ngân hàng đã đầu tư chứng khoán mát tay?
Đơn cử về một ngân hàng sở hữu các chỉ tiêu tài chính không mấy chắc chắn nhưng cũng có nguồn thu lớn từ đầu tư chứng khoán là Ngân hàng TMCP Kiên Long - Kienlongbank (mã KLB). Ngân hàng này vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020. Tín dụng chỉ mang về cho ngân hàng khoản lãi 254 tỷ đồng, giảm 19% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Lãi thuần từ mảng dịch vụ quý II/2019 đạt 16 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng, mảng này lãi gần 36 tỷ đồng, tăng 20%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối kỳ quý II giảm 30% so với cùng kỳ, xuống 10 tỷ đồng; lãi lũy kế 6 tháng ở mức 19 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động khác quý II đạt 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lãi đột biến trong quý I nên lũy kế 6 tháng đầu năm, mảng này ghi nhận lợi nhuận 63 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ.
Riêng mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận tăng mạnh khi lợi nhuận 6 tháng đạt 38 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Được biết ngân hàng này đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Dù vậy, do hoạt động kinh doanh không mấy khả quan nên kết thúc quý II/2020, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 46 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận 103 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Kienlongbank hoàn thành 13,7% kế hoạch lợi nhuận mục tiêu cả năm. Được biết, hồi tháng 4, ngân hàng này đã đặt mục tiêu lợi nhuận 750 tỷ đồng, tăng 9 lần so với năm 2019.
Nhìn chung, dù chưa có thống kê đầy đủ nguồn thu từ hoạt động khác của các ngân hàng trong quý II, nhưng dễ nhận thấy từ quý I/2020, thu nhập từ chứng khoán của các ngân hàng niêm yết tăng 226% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tỷ trọng từ 13,7% lên gần 34% trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.
Theo khảo sát của FiinPro, thu nhập từ chứng khoán của các ngân hàng tăng dù lợi suất trái phiếu Chính phủ vẫn được duy trì ở mức thấp. So với cuối năm 2019, giá trị danh mục chứng khoán (đã trừ dự phòng) của 18 ngân hàng trên sàn tăng 8,5%. Điều này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp và thanh khoản tiền đồng không căng thẳng mặc dù tiền gửi của khách hàng suy giảm nhẹ.
Quý I/2020, giá trị danh mục trái phiếu Chính phủ mà ngân hàng nắm giữ tăng 6,4% trong khi giá trị danh mục trái phiếu của các TCTD khác giảm 8,9%. Giá trị danh mục trái phiếu của các tổ chức kinh tế (TCKT) tăng 31%. Các trái phiếu này có lãi suất cao như vậy đã lý giải được vì sao thu nhập từ chứng khoán của các ngân hàng lại tăng lên.
So với quý I/2019, tỷ trọng lãi từ chứng khoán đã tăng 2,46 lần. Xét về tốc độ tăng trưởng, thu nhập từ chứng khoán tăng 29,3% so với quý IV/2019 và 226% so với quý I/2019.
Hoạt động đầu tư chứng khoán gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá..., trong đó trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất.
Hợp tác bán bảo hiểm sẽ là động lực tăng trưởng
Theo Chứng khoán VDSC, giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đã tăng với tốc độ bình quân 86% mỗi năm, nâng dần tỷ trọng trong tổng thu nhập phí bảo hiểm nhân thọ.
Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, bancassurance (hợp tác bán bảo hiểm) sẽ là động lực tăng trưởng thu nhập dịch vụ của các ngân hàng trong tương lai. Nhóm phân tích chứng khoán SSI nhận định, bancassurance sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trung bình 30 - 50%.
Thời gian gần đây, các ngân hàng gia tăng việc làm đại lý độc quyền cho các công ty bảo hiểm nhân thọ như một cách để nâng cao thu nhập. Cụ thể, các công ty bảo hiểm nhân thọ ngoài phần chi phí phải trả để được khai thác lượng khách hàng, mạng lưới và nhân lực của ngân hàng thì còn phải chi trả cho ngân hàng hoa hồng lên tới 50 - 60% doanh thu trong năm đầu tiên. Con số ước tính có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm.
Ngoài việc phải trả một số tiền nhất định cho việc khai thác khách hàng và mạng lưới của các nhà băng, công ty bảo hiểm còn phải đào tạo nhân viên ngân hàng về nghiệp vụ cũng như cách thức tư vấn sản phẩm.
Hợp tác với bảo hiểm giúp cho ngân hàng có thêm sản phẩm mới nhưng lại không bị đòi hỏi phải tăng vốn trên cơ sở rủi ro như đối với các sản phẩm đơn thuần. Đồng thời còn tạo thêm nguồn thu nhập mới, giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn huy động.
Về phía khách hàng, tham gia bảo hiểm tại ngân hàng sẽ được nhiều lợi ích. Theo chia sẻ của nhân viên tín dụng, khách hàng đến vay sẽ được hưởng lãi suất khác nhau tùy vào năng lực tài chính và đàm phán của hai bên. Mức lãi suất sẽ dao động trong ngưỡng sàn của ngân hàng và trần của NHNN. Do đó, việc khách hàng được ưu đãi lãi suất khi tham gia một gói sản phẩm khác như bảo hiểm, sẽ tùy thuộc vào cơ chế của mỗi ngân hàng.
Bancassurance cũng được đánh giá là kênh phân phối bảo hiểm quan trọng giúp ngành bảo hiểm có thể tiếp cận những phân khúc khách hàng lớn hơn và có cơ hội chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Hình thức bancassurance mang đến nhiều lợi ích cho người dùng và ngân hàng nhưng đôi khi cũng tạo áp lực cho nhân viên và khách hàng. Do nguồn thu và cam kết với đối tác về doanh thu bán bảo hiểm lớn nên nhiều ngân hàng đã giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên và cán bộ quản lý khá cao. Thậm chí, có ngân hàng ban hành quy định chỉ giải ngân khi người vay tiền đồng ý mua bảo hiểm. Từ đó, nhân viên phải tìm mọi cách để bán bảo hiểm, tạo áp lực cho khách hàng. Còn người vay tiền dù chưa hoặc không có nhu cầu nhưng lại bị ngân hàng kéo vào thế buộc mua bảo hiểm.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ