Hà Nội, Thứ Hai Ngày 02/12/2024

Xử lý nợ xấu ngân hàng: Khi 'ông lớn' ngân hàng rao bán nợ xấu theo... 'gói'!

DTVN 07:44 09/06/2021

Sau mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh rao bán nhiều khoản nợ khủng. Đặc biệt, xuất hiện thêm hình thức rao bán nợ xấu theo gói.

Sacombank rao bán nợ xấu theo gói

Đầu tháng 5/2021, ngân hàng Sacombank đã gộp chung toàn bộ tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để phát mại, thu hồi nợ xấu. Khối tài sản này được rao bán với giá khởi điểm 640 tỷ đồng, bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích 20.800 m2 tại dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất diện tích gần 12.700 m2 (quận 8, TP.HCM).

Ngoài ra, Sacombank còn gộp chung khối tài sản của 2 doanh nghiệp bất động sản (Công ty Quang Vinh và Công ty Nam Đô Long) để đấu giá một lần với giá khởi điểm gần 2.400 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Sacombank cũng đấu giá 5 khoản nợ của các cá nhân và pháp nhân gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long, bà Liêng Thị Thảo, ông Liêng Thành Liêm và bà Đàm Kim Khụng.

Theo Sacombank, các khoản nợ này phát sinh từ năm 2011 - 2013. Tính đến ngày 6/4/2021, tổng trị giá của 5 khoản khoản nợ là hơn 2.402 tỷ đồng. Trong đó, vốn là 930 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 1.472 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản đảm bảo nợ xấu, trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản giá trị lớn và nằm ở các vị trí đắc địa, cho thấy hoạt động thúc đẩy xử lý nợ xấu tồn đọng đang được các ngân hàng gấp rút thực hiện nhằm hoàn thiện quá trình tái cơ cấu.

Tuy nhiên theo đại diện bộ phận xử lý nợ ở một số NHTM, khi gộp chung các khoản nợ của một doanh nghiệp để rao bán một lần, lượng hồ sơ cần xử lý cho từng tài sản sẽ rất lớn. Bên cạnh đó không ít các trường hợp phải dừng đấu giá tài sản đảm bảo nợ vay để xem xét lại các bản án vẫn là nguy cơ mà các ngân hàng phải đối mặt khi khách hàng vay nợ và người liên quan đến tài sản đảm bảo bất hợp tác.

BIDV rao bán khoản nợ gần 500 tỷ đồng của hai doanh nghiệp

Thời gian gần đây, BIDV liên tục phát mại và bán đấu giá hàng loạt tài sản và khoản nợ, trong đó nhiều khoản nợ có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong số các khoản nợ BIDV thông báo đấu giá, có 2 khoản nợ liên quan đến hai doanh nghiệp với giá khởi điểm 385,4 tỷ đồng liên quan đến Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên.

Được biết, khoản nợ liên quan đến hai công ty trên có tổng dư nợ tạm tính đến ngày 06/5/2021 lên tới 482 tỷ đồng.

Cụ thể, khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang có giá trị tạm tính đến ngày 6/5 là 236,7 tỷ đồng, gồm dư nợ gốc 97,3 tỷ đồng và dư nợ lãi 139,4 tỷ đồng. Khoản nợ Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên có giá trị tạm tính đến ngày 6/5 là 245 tỷ đồng, gồm dư nợ gốc gần 100,7 tỷ đồng và dư nợ lãi 144,4 tỷ đồng.

Cũng theo BIDV, tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên bao gồm Khu đất I, II, III và IV thuộc Dự án KDC khu phố 4, Phường Phước Long A, Quận 9 và khu đất I5 và I7 thuộc Công ty Bách Giang.

Đồng thời, toàn bộ quyền lợi của Công ty Cao Nguyên hình thành từ vốn vay và vốn tự có trong việc liên doanh đầu tư – kinh doanh dự án Đầu tư khu hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu nhà ở I5 và I7 KDC Khu phố 4, Phường Phước Long A, Quận 9 của Công ty Bách Giang.

BIDV siết nợ gần 500 tỷ của Công ty Bách Giang và Cao Nguyên với dự án KDC quận 9.

Bên cạnh đó, BIDV cũng đang tìm đơn vị bán đấu giá cho khoản nợ của Công ty TNHH Thanh Hùng tại chi nhánh Vĩnh Long. Tổng dư nợ của Công ty Thanh Hùng tạm tính đến ngày 28/2/2021 là hơn 234 tỷ đồng (gốc, lãi và phí). Tài sản đảm bảo bao gồm nhà xưởng Huỳnh Mai (chi phí đầu tư xây dựng nhà máy và máy móc thiết bị), nhà máy Thanh Hùng (máy móc thiết bị và tài sản gắn liền với đất) và 1 xe ô tô 7 chỗ hiệu Ford Everest.

Một đơn vị khác mà phía BIDV đang rao bán nợ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom). Tại thời điểm đầu tháng 3, BIDV cho biết tổng dư nợ của Tincom tại ngân hàng này tính đến ngày 21/10/2020 là 164 tỷ đồng. Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra cho khoản nợ này là 86 tỷ đồng, thấp hơn 42% so với mức giá đưa ra hồi đầu tháng 3.

Tương tự như Sacombank, BIDV rao bán nợ xấu theo gói thay vì đấu giá lẻ từng tài sản.

Cụ thể, BIDV bán tài sản đảm bảo nợ vay quá hạn của CTCP Tập đoàn Khải Vy với giá 1.015 tỷ đồng để thu hồi nợ.

Theo đó, các tài sản đảm bảo cho khoản nợ quá hạn của doanh nghiệp này bao gồm: Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM); gần 550 ha diện tích rừng trồng cây tại tỉnh Đắk Nông; 2 cụm nhà xưởng gần 18 ha tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định); 8,7 triệu cổ phiếu Tập đoàn Khải Vy nắm giữ tại CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang; máy móc thiết bị chế biến gỗ của doanh nghiệp và 6 xe ôtô.

BIDV rao bán khoản nợ hơn 1.000 tỷ của công ty Khải Vy

Agribank bán đấu giá khoản nợ của Công ty Vận tải Biển Đông

Đầu tháng 6/2021, Agribank bán đấu giá khoản nợ của Công ty Vận tải Biển Đông, giá khởi điểm 473 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm 1 tàu chở dầu, trụ sở của Công ty Vận tải Biển Đông tại TP. Hải Phòng (toàn bộ căn nhà 6 tầng tại số 86 đường bao Trần Hưng Đạo, phường Đông Hải), trụ sở của công ty tại TP HCM (gồm 1 tầng hầm, 1 tầng lửng, 8 tầng sử dụng và sân thượng tại địa chỉ số 84-86 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4) và chứng thư bảo lãnh của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (số tiền bảo lãnh là 40,25 triệu USD).

Phía Agribank cho biết đây là khoản cho vay đồng tài trợ dự án theo hợp đồng tín dụng ký giữa Agribank (chi nhánh Nam Hà Nội), Agribank (chi nhanh Cầu Giấy), BIDV (chi nhánh Bắc Hà Nội, nay là chi nhánh Long Biên Hà Nội), Ngân hàng Liên doanh Việt Thái (chi nhánh Hà Nội, nay là The Siam Commercial Bank Public Company Limited – chi nhánh TP HCM), SHB (chi nhánh TP.HCM) và Công ty Vận tải Biển Đông.

Hiện nay, 3 đơn vị là BIDV, SHB và The Siam Commercial Bank Public Company Limited đã bán khoản nợ của Công ty Vận tải Biển Đông cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Giá khởi điểm mà phía Agribank đưa ra cho khoản nợ này là hơn 473 tỷ đồng, số tiền đặt trước là hơn 23,6 tỷ đồng.

Vietcombank đại hạ giá cả khách sạn ở Đà Nẵng vẫn chưa ai mua

Đầu tháng 6, Vietcombank Đông Anh thông báo phát mại lần thứ 4 tài sản đảm bảo thanh lý nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 62, địa chỉ tại 91 Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Bất động sản có diện tích 443,1 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ.

Tài sản gắn liền trên đất là tòa khách sạn 12 tầng có thời hạn sở hữu đến ngày 4/5/2046. Người sở hữu tài sản là bà Bùi Thị Huệ và ông Lê Trí Nguyện. Khách sạn trên có tên Hemera Boutique Hotel, nằm gần bãi biển Mỹ An- Đà Nẵng.

Giá khởi điểm Vietcombank chào bán là 74,3 tỷ đồng, thấp hơn 26% so với giá từng công bố lần gần nhất vào tháng 9/2020.

Trước đó, Vietcombank từng rao bán khách sạn này với giá 100 tỷ đồng cuối năm 2019, giảm còn 81 tỷ vào tháng 6/2020 và hạ xuống 79 tỷ đồng vào tháng 9/2020.

Hình ảnh khách sạn Hemera Boutique Hotel trên Booking.com.

Ngoài ra, Vietcombank cũng đang rao bán tài sản đảm bảo của CTCP Thủy Sản 4 gồm giá trị thuê đất, chi phí đầu tư trên đất (công trình xây dựng, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, chi phí đắp, đào và gia cố cừ tràm) và cây trồng trên đất tại xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm hơn 16 tỷ đồng.

VIB rao bán loạt ô tô giá rẻ

Thời gian qua, ngân hàng VIB rao bán loạt ô tô để thu hồi nợ từ các dòng Kia, Chevrolet, Hyundai, Mistubishi… với giá thấp hơn nhiều so với thị trường.

Chẳng hạn chiếc Chevrolet Spark đời 2016, đi được 192.182 km có giá thanh lý 180 triệu đồng, trong khi giá thị trường theo VIB là 250 triệu đồng.

Hay chiếc Hyundai i10 đời 2017, chạy được 17.212 km được VIB rao bán giá 270 triệu đồng, trong khi giá trên thị trường theo ngân hàng khoảng 300 triệu đồng, Hyundai-Grand-I10-2020 chạy được 9.050 km được rao bán chỉ 310 triệu đồng.

Nhiều ôtô khác được rao bán thanh lý giá từ 180 triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/xu-ly-no-xau-ngan-hang-khi-ong-lon-ngan-hang-rao-ban-no-xau-theo-goi-d100767.html

Bạn đang đọc bài viết Xử lý nợ xấu ngân hàng: Khi 'ông lớn' ngân hàng rao bán nợ xấu theo... 'gói'! tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng