Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Tín dụng ngân hàng: Sau niềm vui tăng trưởng là nợ xấu và rầm rộ thanh lý tài sản

TẠP CHÍ SỞ HỮU TRÍ TUỆ 08:11 01/07/2021

Ngành ngân hàng khá lạc quan khi phục hồi tăng trưởng tín dụng đạt 5,47% trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui đó là rủi ro về chất lượng các khoản cho vay.

Tín dụng tăng trưởng như "dao hai lưỡi"

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/06/2021 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/06/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020.

So với thời điểm cuối năm 2020, lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2021 tương đối ổn định sau khi giảm mạnh trong năm 2020.

Như con dao hai lưỡi, việc tín dụng tăng cũng đi kèm với rủi ro nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp.

Thống kê số liệu tài chính của 26 ngân hàng cho thấy, trong quý 1/2021 có tới 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh quanh mức 30% như ACB (61%); Vietcombank (47%); MBB (29%);…

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước đã có những văn bản về đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất.

Có thể thấy, hệ thống ngân hàng khá lạc quan khi phục hồi tăng trưởng tín dụng đạt 5,47% tính đến 21/6. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui đó là sự lo lắng về chất lượng các khoản cho vay... Thực tế, nhiều nhà băng đã và đang ráo riết rao bán loạt khoản nợ có giá trị khủng kèm đại hạ giá để thu hồi nợ xấu.

Sacombank, BIDV, MSB,…rao bán loạt khoản nợ khủng

Trong số các ngân hàng, Sacombank rất tích cực rao bán các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Nhiều khoản nợ đã được Sacombank rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá, có khoản nợ đã hạ đến gần 50% tổng nghĩa vụ trả nợ nhưng vẫn ế.

Chẳng hạn, ngày 21/06/2021, Sacombank thông báo sẽ đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ với tổng nghĩa vụ khoản nợ tính đến ngày 31/12/2019 là gần 474 tỷ đồng. Giá khởi điểm được đưa ra là hơn 108 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm của khoản vay này là bất động sản tại số 21 - 23 Nguyễn Biểu, Phường 1, Quận 5, TP HCM. Thời gian bán, tham khảo và tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham giá đấu giá khoản nợ từ ngày 21/06-27/07/2021.

Khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ

Cùng ngày, Sacombank cũng sẽ tiến hành đấu giá khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải. Tài sản bảo đảm là hợp đồng mua bán các căn hộ tại tầng 12B, tầng 20,22,23 thuộc Dự án Happy Plaza, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tổng nghĩa vụ khoản nợ tính đến ngày 15/10/2020 là hơn 198 tỷ đồng. Giá khởi điểm là hơn 105 tỷ đồng.

Tương tự với khoản nợ của CTCP Ngọc Sương, tổng dư nợ tới ngày 30/6/2019 là hơn 121 tỷ đồng, gồm 48,7 tỷ đồng nợ gốc, hơn 48 tỷ đồng tiền lãi trong hạn và hơn 24 tỷ đồng tiền lãi quá hạn.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là 4 quyền sử dụng đất tại khu Bãi Lao, thôn Bình Lập, Thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Khoản nợ này đã được rao bán nhiều lần nhưng bất thành, Sacombank đã hạ giá khoản nợ xuống gần 52,7 tỷ đồng, tức xấp xỉ 43% tổng nghĩa vụ nợ.


Khoản nợ của CTCP Ngọc Sương.

Ngoài ‘gương mặt quen thuộc’ Sacombank, BIDV cũng là một trong những nhà băng tích cực rao bán tài sản để thu hồi nợ.

Chỉ trong tuần qua, nhà băng này đã 8 lần thông báo bán đấu giá các khoản nợ và tài sản đảm bảo để thu hồi nợ với số dư hàng trăm tỷ đồng.

Nguồn: Website BIDV.

Đơn cử, BIDV thông báo bán đấu giá lô đất 61.000 m2 (xã Mỹ Hiệp, Cao Lãnh, Đồng Tháp) và nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất lúa gạo đi kèm. Giá khởi điểm được đưa ra cho toàn bộ tài sản kể trên là 85 tỷ đồng.

2 khoản nợ khác thuộc về Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cao Nguyên được rao bán với giá khởi điểm hơn 312 tỷ.

So với lần rao bán gần nhất hồi tháng 5, giá khởi điểm của 2 khoản nợ này đã giảm 10%. Còn nếu so với giá khởi điểm trong lần thanh lý đầu tiên vào tháng 3, giá được đưa ra hiện đã gần 1/3 tổng giá trị.

Ngày 28/6, BIDV tiếp tục thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy - lần 2 với giá khởi điểm gần 932 tỷ đồng, giá rao bán lần này đã giảm hơn 100 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên.

“Ông lớn” Vietcombank cũng đang rao bán lần thứ 8 khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn với giá khởi điểm 22,8 tỷ. Tài sản đảm bảo là 5 bất động sản tại TP.Đà Lạt và một bất động sản tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Sau 7 lần rao bán, mức giá được đưa ra đã giảm 13% so với giá lần đầu (38,6 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, ngân hàng MSB vừa có thông báo về xử lý tài sản thế chấp của 3 công ty bất động sản.

Cụ thể ngân hàng cho biết, Công ty CP đầu tư kinh doanh Bất động sản Sao Mộc (Công ty Sao Mộc), Công ty CP Bất động sản Tân Sao Thổ (Công ty Tân Sao Thổ) là khách hàng vay vốn tại MSB và thế chấp các tài sản hình thành từ vốn vay thuộc dự án PMR Evergreen tại Phường Phú Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh do Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) làm chủ đầu tư gồm: 28 căn City Villa và 94 căn Sky Villa giai đoạn 1; 38 căn City Villa và 42 căn Garden Villa giai đoạn 2.

Công ty Tài Nguyên sử dụng các tài sản là 3 quyền sử dụng đất của dự án PMR Evergreen để thế chấp bảo lãnh cho nghĩa vụ nợ của công ty Sao Mộc và công ty Tân Sao Thổ. Toàn bộ các tài sản nêu trên được đăng ký giao dịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tin-dung-ngan-hang-sau-niem-vui-tang-truong-la-no-xau-va-ram-ro-thanh-ly-tai-san-d103106.html

Bạn đang đọc bài viết Tín dụng ngân hàng: Sau niềm vui tăng trưởng là nợ xấu và rầm rộ thanh lý tài sản tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng