Hà Nội, Thứ Hai Ngày 02/12/2024

Nợ xấu ngân hàng “không tệ” như nhà đầu tư lo ngại

NGƯỜI ĐƯA TIN 17:34 19/12/2021

Ẩn số nợ xấu vẫn là mối quan ngại của hầu hết các nhà đầu tư, ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận, làm cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn.

Làn sóng dịch Covid lần thứ tư đã khiến nhiều thành phố lớn phải thực hiện giãn cách, nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm dừng dẫn đến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm thấp. Đồng thời, tình trạng nợ xấu của ngân hàng tăng đã và đang là vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây.

Ngân hàng sẽ là "đầu tàu" khi nền kinh tế hồi phục trở lại

Tại Talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của ngành ngân hàng", ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho biết: "Nhóm các nhà đầu tư cá nhân thường chọn nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thay vì các nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng."

Tài chính - Ngân hàng - Nợ xấu ngân hàng “không tệ” như nhà đầu tư lo ngại

Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI.

Nhìn lại dòng vận động của ngành ngân hàng năm 2021, tính từ đầu năm nguồn tiền cổ phiếu tích cực đẩy vào ngành này mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng có một số vần đề cần phải xem xét.

Thứ nhất, sau đợt bùng dịch này, điều mà NĐT quan tâm là vấn đề nợ xấu và rủi ro tăng cao.

Thứ hai, sau quá trình tăng giá rất dài từ đầu đến giữa năm thì mức định giá của ngành ngân hàng đã không thực sự chuyển động quá dày.

Thứ ba, có rất nhiều ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành thưởng trong thời gian qua đã tạo ra một áp lực về số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường hiện nay.

"Sắp tới đây, cổ phiếu ngân hàng sẽ tích lũy thêm và sẽ có những câu chuyện về tăng trưởng lợi nhuận, rủi ro nợ xấu giảm đi kéo theo đó là dự đoán về sự trở lại của dòng vốn thị trường đổ vào ngành ngân hàng", ông chia sẻ thêm.

Khi bàn về vấn đề trên, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VIB đưa ra quan điểm rằng: "Ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển trong tương lai".

Tài chính - Ngân hàng - Nợ xấu ngân hàng “không tệ” như nhà đầu tư lo ngại (Hình 2).

Ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VIB.

Ông còn cho biết thêm, dự báo nền kinh tế năm 2022 sẽ khoảng 5,5% tăng trưởng. Đồng thời, Phó TGĐ cũng kỳ vọng vào các gói hỗ trợ từ Chính phủ khoảng 800.000 tỷ tương đương 10% GDP. Nếu được thông qua thì ngân hàng sẽ gián tiếp được hưởng lợi. Trước đó, các gói hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp 3% GDP cũng đã tạo nên dòng luân chuyển kích hoạt trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nói chung.

Bên cạnh đó, lý giải cho giá cổ phiếu VIB xanh và trụ vững trong thời gian này, ông Trung cho biết: “VIB là ngân hàng bán lẻ, khi nhìn vào tổng dư nợ và số lượng vay của VIB trên thị trường và hầu hết các khoản vay đều có tài sản thế chấp. Tất cả những biến động trên thị trường sẽ không tác động đến VIB.”

Nợ xấu vẫn tăng trong tầm kiểm soát

Ẩn số về nợ xấu vẫn là mối quan ngại của hầu hết các nhà đầu tư. Cùng với tình trạng đó, các ngân hàng sẽ phải gia tăng trích lập dự phòng.

Chia sẻ tại talkshow, bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận phân tích, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, trong năm 2021, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu đến từ lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

"Trước khi bàn về triển vọng năm 2022, chúng ta cần nhìn lại rằng vài tháng qua các nhà đầu tư đều tỏ ra quan ngại về tình hình nợ xấu. Ở góc độ đầu tư cơ bản và giá trị, tôi nhận thấy vấn đề nợ xấu không tệ như mọi người đã nghĩ", bà Dương phân tích.

Đưa ra những dẫn chứng cho phân tích trên, bà Dương cho biết thêm, tỉ lệ nợ xấu trong toàn ngành là tăng từ 1,6% cuối 2020 thì hiện tại là 1,9%. Dưới tác động của Covid-19 thì đà tăng này vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thêm vào đó, dư nợ tái cơ cấu để hỗ trợ covid cuối tháng 9/2021 ở mức khoảng 2,6% tổng dư nợ - con số này đã thấp so với đỉnh 3,9% tổng dư nợ cuối 2020.

Ngoài ra, các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đã tích cực trích lập chi phí dự phòng. Điển hình là tỉ lệ bao phủ nợ xấu của nhóm ngân hàng hiện đang ở mức kỷ lục và là trung bình cao trung khu vực. Một số ngân hàng top đầu còn lên tới 200%.

Do đó quan điểm của Dragon Capital nhận định là: “Các chi phí dự phòng trong thời gian tới nếu không còn tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng thì sẽ khó ảnh hưởng tiêu cực tới bức tranh lợi nhuận trong năm 2022. Mặt khác, lợi nhuận quý IV/2021 và sang năm 2022 có thể đến từ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại, đặc biệt ở mạng bán lẻ. Thêm vào đó là nguồn thu từ các dịch vụ khác nhau. Dựa vào đó DC tự tin tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận sắp tới."

Về câu chuyện "trích lập dự phòng", ông Trung khẳng định: "Trích lập dự phòng là để đảm bảo cho khoản vay. Sau khi giãn cách thì nhu cầu về tín dụng tăng lên, do đó "nới room, tăng trưởng tín dụng” là cơ hội để các ngân hàng dựa vào để bù đắp cho những rủi ro".

"Ngân hàng là một trong những ngành hiếm hoi trên thị trường mà lợi nhuận được dự báo là sẽ tăng trưởng trong một thời gian dài, đặc biệt là kể cả sau dịch. Nền tảng cho vay tín dụng luôn duy trì kể cả bị tác động bởi Covid. Bên cạnh đó, các ngân hàng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh cũng là một yếu tố giúp tăng doanh thu ngành này", chuyên gia SSI phân tích.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/no-xau-ngan-hang-khong-te-nhu-nha-dau-tu-lo-ngai-a537194.html

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu ngân hàng “không tệ” như nhà đầu tư lo ngại tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng