Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Nợ xấu của MSB: Quả đắng cho vay

Theo SHTT 06:33 26/06/2020

Nợ xấu MSB ngày càng tăng do phải xử lý khối nợ vay đầu tư tàu lên tới cả nghìn tỷ đồng của các công ty tài chính, DN vận tải biển trong giai đoạn trước.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), tổng thu nhập thuần của ngân hàng trong quý I/2020 đạt 1.263 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập từ lãi thuần và thu nhập từ phí đạt 893 tỷ đồng và 121 tỷ đồng, tăng lần lượt là 47% và 110% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về khoản lãi thuần 102 tỷ đồng, so với mức lỗ 9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 16,7%, đạt 84 tỷ đồng.

--

Đáng lưu ý, trong khi nhiều ngân hàng sụt giảm tăng trưởng tín dụng và huy động do dịch bệnh Covid-19, thì tăng trưởng cho vay của MSB đạt gần 65,7 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với quý I/2019, trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 44%, cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng hơn 31%. Tuy nhiên, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác lại giảm tới 18,5%, xuống còn hơn 16,7 nghìn tỷ đồng.

Huy động vốn trong 3 tháng đầu năm tăng 24,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 81 nghìn tỷ.

Dù có sự tăng trưởng cao ở nhiều lĩnh vực, song trong kỳ MSB cũng ghi nhận sự sụt giảm ở một số mảng kinh doanh như mua bán chứng khoán kinh doanh kỳ này không ghi nhận lợi nhuận trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 5 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác giảm nhẹ 7,6%, xuống còn 61 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động trong kỳ tăng 42,8%, lên 894 tỷ đồng.

Theo đó, kết thúc quý I/2020, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 289 tỷ đồng, tăng gần 297% so với cùng kỳ, gấp tới 4 lần so với con số 73 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 265%. Đây cũng là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất, tính tới thời điểm hiện tại. Tổng tài sản của ngân hàng cũng đạt gần 155 nghìn tỷ, tăng gần 15% so với quý I/2019.

Về chất lượng tín dụng, tại ngày 31/3, MSB đang có hơn 1.432 tỷ đồng nợ xấu, tăng 10,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 2,18% trên tổng dư nợ, so với mức 2,04% hồi đầu năm.

Tuy nhiên, nhà băng này trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý I/2020 lại giảm 19,4%, xuống còn 79 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến nợ xấu tăng mạnh cũng đến từ việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, thông qua việc hỗ trợ cơ cấu lại nhóm nợ. Theo đó, MSB tung gói tín dụng 7.000 tỷ với lãi suất ưu đãi 6,99% cho khách hàng.

Thông tin về tình hình nợ xấu của Ngân hàng Maritimebank được phản ánh khá hạn chế trong các báo cáo tài chính. Ngoài những nợ mới, MSB đang phải xử lý khối nợ vay đầu tư tàu lên tới cả nghìn tỷ đồng của các công ty tài chính, DN vận tải biển trong giai đoạn trước.

Vào năm 2011, MSB đã nhận lại hơn hai chục con tàu của Công ty cho thuê tài chính ALC 1 và ALC 2 (thuộc Ngân hàng Agribank), do 2 DN này gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ nặng, có nhiều sai phạm trong hoạt động…

Hàng loạt con tàu đóng dở dang, tàu cũ đã qua sử dụng được bàn giao sang cho MSBquản lý, như loạt 11 con tàu trọng tải 5.200 tấn, loạt 3 tàu 7.200 tấn của Công ty Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn, tàu Star 88, Hufa Star, Hoàng Cương 28, Sunrise 15, tàu Phú Đạt…

Những khoản nợ của ALC 1 và ALC 2 chuyển giao sang MSBchủ yếu được thế chấp bằng chính tài sản là tàu đóng mới (tài sản hình thành trong tương lai) hoặc tàu mua cũ. Phía ngân hàng đã tiến hành đánh giá lại tình trạng tàu, giá trị của tàu để quyết định sẽ bán thanh lý, thu hồi vốn hay tiếp tục "đổ" thêm tiền hoàn thiện tàu.

Tuy nhiên, từ năm 2011 cho đến nay, giá trị thực tế của tàu biển đã sụt giảm mạnh do thị trường mua bán tàu cũ suy giảm, khấu hao tự nhiên, cung vượt cầu… Do đó, để xử lý khối nợ này, MSB đã phải bán thanh lý một số tàu với giá sắt vụn, xử lý nợ xấu. Số tàu vẫn còn khả năng khai thác được chuyển sang cho một công ty để tiếp tục sửa chữa, khôi phục hoạt động…

Trong các báo cáo tài chính công bố thời gian qua, MSB không cho biết tổng dư nợ tàu biển của ALC 1 và ALC 2 chuyển giao sang, hiện còn lại bao nhiêu, đã xử lý thu hồi được mấy phần…? Ngân hàng đã thực hiện phân loại những khoản nợ này, trích dự phòng rủi ro ra sao, có ảnh hưởng tới lợi nhuận… cũng không được công bố rõ ràng? Vì nếu ngân hàng không tính khấu hao giá trị tài sản tàu như cách mà Vinalines đã làm, thì có thể che giấu lỗ của loạt tàu bắt về, dẫn tới số liệu tài chính phản ánh không chính xác.

Minh Quân/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/no-xau-cua-msb-qua-dang-cho-vay-d78277.html

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu của MSB: Quả đắng cho vay tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng