Hà Nội, Thứ Năm Ngày 10/10/2024

Ngành nào được ngân hàng thúc đẩy tín dụng trong nửa cuối năm?

DTVN 11:41 15/09/2020

Trước sự xuất hiện của dịch Covid-19, cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh của các ngân hàng vẫn không có sự thay đổi đáng kể.

Tiền chảy đúng chỗ?

Trong môi trường lãi suất có xu hướng đi lên, việc cố định lãi suất đầu vào và thả nổi lãi suất đầu ra có thể mang lại lợi ích cho các ngân hàng, khi những khoản tiền gửi kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng giữ ổn định chi phí vốn đầu vào. Ngược lại, với xu hướng lãi suất đi xuống, theo thị trường hoặc từ các biện pháp can thiệp hành chính, chính sách trên có thể mang lại thiệt hại cho các ngân hàng.

Rõ ràng với tình hình hiện nay, bất chấp dịch bệnh hay thiệt hại như thế nào, ngân hàng cũng không thể gọi điện cho khách hàng huy động xin giảm bớt lãi tiền gửi. Trong khi đó, đứng ở góc độ là người được vay, ngày qua ngày, khách hàng vay vốn vẫn yêu cầu ngân hàng phải sớm giảm lãi suất, như là cách đáp ứng yêu cầu, chỉ thị của cơ quan quản lý. Trong khi phía các nhà băng, yêu cầu đặt ra chỉ ưu tiên hỗ trợ cho những DN đang ở tình thế cần “cấp cứu” nhất, nếu không sẽ quá trễ.

Biết được sự phân bổ dư nợ tín dụng của ngân hàng vào từng ngành nghề, lĩnh vực kinh tế là điều cần thiết, giúp đánh giá được rủi ro cũng như nhận định được triển vọng từng ngành để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Do 3 “ông lớn” Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và BIDV (BID) không công bố thuyết minh dư nợ cho vay theo ngành tại ngày 30/06/2020, vì vậy, tính theo số liệu tổng hợp 18 ngân hàng, có gần 3.5 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay được phân bổ vào các ngành nghề kinh doanh chính, chỉ tăng 3.7% so với đầu năm. Trong đó, ngân hàng tập trung nguồn vốn tín dụng lớn nhất vào ngành bán buôn, bán lẻ với hơn 670,493 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19.3% và tăng nhẹ 5% so với đầu năm.

Agribank là nhà băng cho ngành bán buôn, bán lẻ vay nhiều nhất với dư nợ cho vay hơn 324,338 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, tỷ trọng tăng từ 28.04% lên mức 28.56%. Đứng vị trí thứ hai nhóm ngân hàng rót tiền vào ngành này nhiều nhất thuộc về MB với dư nợ cho vay ở mức 60,707 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu kỳ, chiếm tỷ trọng 23.23% trong cơ cấu ngành.

Tăng 22% dư nợ cho vay ngành bán buôn, bán lẻ so với đầu năm, lên mức 17,290 tỷ đồng, OCB là ngân hàng rót vốn vào ngành này tăng mạnh, với tỷ trọng chiếm 22.36%. Kế đến là SHB với dư nợ cho vay đạt 54,045 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm và chiếm 18.81% tỷ trọng.

Ngành hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (tiêu dùng hộ gia đình) chiếm tỷ trọng dư nợ cho vay lớn thứ hai với 14.9%, đạt 517,694 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, ngành hành chính và hỗ trợ có dư nợ vay ngân hàng tăng khá mạnh trong nửa đầu năm nay với 27% so với đầu năm, từ 94,885 tỷ đồng lên mức 120,713 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng của ngành này chỉ ở mức 3.5%

Với dư nợ vay tăng 21% so với đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ hai được ngân hàng ưu tiên tăng rót vốn, từ 154,071 tỷ đồng lên mức 186,517 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5.4%.

Đối với ngành xây dựng, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng chỉ tăng 4% so với đầu năm, lên mức 243,312 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7%.

Ngược lại, dư nợ vay ở lĩnh vực chính trị cũng giảm mạnh, từ 9,005 tỷ đồng xuống còn 1,279 tỷ đồng, tương đương mức giảm 86% so với đầu năm. Đây cũng là ngành có tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu cho vay của ngân hàng.

Ngành nào được kỳ vọng thúc đẩy tín dụng?

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Ngân hàng Nhà nước công bố, mặc dù các TCTD vẫn đánh giá nhu cầu tín dụng tăng trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy nhiên, đã điều chỉnh mạnh từ mức 91% TCTD kỳ vọng tăng ghi nhận tại tháng 12/2019 xuống còn 64% tại ngày 05/06/2020.

Đặc biệt, các TCTD điều chỉnh kỳ vọng đối với nhu cầu vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, đầu tư và kinh doanh du lịch. Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, cơ hội đầu tư xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản chịu tác động bất lợi của dịch Covid-19.

Các TCTD kỳ vọng sự cải thiện đáng kể nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2020 trên cơ sở dự báo về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, cơ hội, nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy nhu cầu tín dụng của các nhóm khách hàng.

NHNN cũng cho biết, theo đánh giá của các TCTD, mức độ rủi ro tín dụng của các khoản vay trong 6 tháng cuối năm 2020 tăng ít hơn so với 6 tháng đầu năm 2020. Tính chung trong cả năm 2020, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tín dụng chủ yếu “tăng” lên so với năm 2019.

Các ngành nghề được cho là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2020 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu, xây dựng và dệt may. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2020, 49% TCTD kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%); dệt may (41%) và xây dựng (40%).Đánh giá tổng thể trong cả năm 2020, bán buôn, bán lẻ vẫn là lĩnh vực được nhiều TCTD dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng nhiều nhất (46.9%); tiếp đến là xây dựng (43.9%); xuất nhập khẩu (41.8%) và Dệt may (40.8%). Đây cũng là 4 lĩnh vực được phần lớn các TCTD dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2021

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nganh-nao-duoc-ngan-hang-thuc-day-tin-dung-trong-nua-cuoi-nam-d82481.html

Bạn đang đọc bài viết Ngành nào được ngân hàng thúc đẩy tín dụng trong nửa cuối năm? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng