Do đó, ngân hàng phải trích lập cho khoản nợ xấu tại VAMC hơn 612 tỷ đồng.
Nam A Bank vẫn còn "sở hữu" hơn 1.200 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC
Trong quý III/2023, Nam A Bank đạt 1.310 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ đem về cho nhà băng này 101,2 tỷ đồng; tăng 66%.
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lỗ 42,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 12,8 tỷ đồng. Tình hình thị trường chứng khoán lao dốc khiến Nam A Bank chỉ lãi vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư, giảm mạnh 95% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của Nam A Bank ở mức 971,5 tỷ đồng; tăng 53%, chủ yếu do tăng chi phí lương nhân viên và một số chi phí quản lý khác. Sau cùng, Nam A Bank báo lãi sau thuế quý III/2023 giảm 24%, chỉ còn hơn 415 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Nam A Bank đạt mức 1.632 tỷ đồng; tăng 10%.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô gần 207.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với đầu năm. Về phía nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 21%, đạt 151.320 tỷ đồng.
Mặc dù lãi trong 9 tháng đầu năm nay, song chất lượng tài sản của Nam A Bank lại đang có dấu hiệu suy giảm khi nợ xấu và lãi dự thu đều tăng. Con số này thể hiện khá rõ nét trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 vừa được công bố.
Cụ thể, tính đến 30/9/2023, lãi và phí phải thu (lãi dự thu) của Nam A Bank tăng tới 35% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.676 tỷ đồng.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Đồng thời, nợ xấu nội bảng tại Nam A Bank tính đến 30/9/2023 tăng tới 93% so với đầu năm, từ 1.945 tỷ đồng lên tới hơn 3.751 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 1,63% lên 2,84%.
Xét về cơ cấu các nhóm nợ tại Nam A Bank cho thấy, nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) có tốc độ tăng mạnh nhất, cao gấp 10 lần so với đầu năm, từ 132 tỷ đồng tăng lên hơn 1.369 tỷ đồng; tiếp đến là nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng từ 237 tỷ đồng lên gần 843 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm. Còn nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng giảm nhẹ 2% so với đầu năm, ghi nhận còn 1.539 tỷ đồng.
"Soi" diễn biến nợ xấu nội bảng tại Nam A Bank trong 6 năm trở lại đây cho thấy, con số nợ xấu tại thời điểm 30/9/2023 đang ở mức đỉnh, từ 784,7 tỷ đồng năm 2018 lên hơn 3.751 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 4,78 lần.
Bên cạnh việc nợ xấu tăng cao, Nam A Bank cũng đang sở hữu khoản nợ tới hơn 1.286 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Do đó, Nam A Bank phải trích lập cho khoản nợ xấu tại VAMC hơn 612 tỷ đồng.
Thực tế, bán nợ cho VAMC là một phương thức xử lý nợ chủ yếu của các ngân hàng để được hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời cũng là một cách làm đẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này mà vẫn phải xử lý. Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý.
Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao, ở mức 20%/năm đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng ngân hàng đang phải tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10%/năm theo thời hạn trái phiếu 10 năm.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, cam kết bảo lãnh ngân hàng tăng mạnh
Không những nợ xấu và lãi dự thu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Nam A Bank cũng giảm mạnh. Theo đó, tính đến 30/9/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ còn 36,5% trong khi hồi đầu năm duy trì 64%, tương đương giảm 27,4 điểm %.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, Nam A Bank đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.
Ngoài nợ xấu, tính đến 30/9/2023, Nam A Bank còn đang "sở hữu" gần 13.440 tỷ đồng “nghĩa vụ nợ tiềm ẩn” chưa được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng. Con số này đã tăng 52% so với đầu năm.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Nam A Bank tăng do cam kết bảo lãnh khác tăng gấp 8 lần so với đầu năm, từ 885 tỷ đồng lên mức 7.089 tỷ đồng. Trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng lại giảm 20% xuống còn 6.350 tỷ đồng còn bảo lãnh vay vốn không được ghi nhận.
Theo tìm hiểu, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ kiện liên quan đến các cam kết bảo lãnh ngân hàng. Gần đây nhất, Tạp chí Điện tử Kiểm Sát đưa tin, Công ty Bất động sản Tân Á Đại Thành - Meyland đã có đơn gửi Thanh tra giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM phản ánh về việc Ngân hàng TPBank chi nhánh TP HCM trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp; đồng thời tiến hành các thủ tục khởi kiện TPBank chi nhánh TP HCM ra toà án.