Theo ông Thắng, các công ty trong lĩnh vực Fintech của ngành tài chính đã tạo ra ví điện tử, các ứng dụng thanh toán, nổi lên như momo, vnpay có thể mua hàng, thanh toán dưới hình thức online.
Bên cạnh, các ngân hàng với tiềm lực có sẵn như tiền và hạ tầng công nghệ cũng đang đi đầu trong chuyển đổi số. Ngân hàng hiện đang đưa nhiều công nghệ vào để hỗ trợ tốt nhất, nhiều nhất trong các ứng dụng thanh toán. Ví dụ khách hàng có thể mở tài khoản từ xa, lấy một thẻ mềm và thực hiện chuyển khoản mà không cần thiết đến trực tiếp trụ sở.
“Nhưng đây chưa phải là ngân hàng số, mà mới chỉ là một phần thôi. Nhiều ngân hàng của chúng ta hiện nay vẫn đang ở 1.0 trong cuộc cách mạng ngân hàng số”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, các ngân hàng phát hành trên internet banking gồm tích hợp thanh toán, chuyển khoản, mở thẻ, phát hành thẻ cũng chỉ mới là 2.0. Ngân hàng 3.0 là khi khách hàng không cần đến trực tiếp, ngồi ở đâu cũng có thể thực hiện các hoạt động tài chính qua ngân hàng; 4.0 là trải nghiệm cá thể hóa và hiện chưa có một ngân hàng nào trên thế giới bước đến 4.0 hoàn chỉnh.
“Một số ngân hàng tại Việt Nam mới chỉ là mon men hợp kênh 2.0, một số dịch vụ đang định hướng lên 3.0. LienVietPostBank tới đây sẽ cho vay thấu chi online, một trong những giải pháp để hạn chế tín dụng đen”, ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Chính phủ hiện cũng đang thúc đẩy số hóa hệ thống ngân hàng, điển hình như mobile money ra đời sẽ phổ cập tài chính số đến người nghèo, người khó khăn.
Theo đó, hiện một bộ phận lớn người dân ở vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng, nhưng có điện thoại di động. Mobile money có thể hỗ trợ để người dân thanh toán. Ông Thắng khẳng định, với tiềm lực công nghệ hiện nay, Việt Nam làm được điều này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc chuyển đổi số lĩnh vực tài chính. Các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay có thể chuyển khoản với nhau, nhưng ví điện tử thì không. Ví của hãng này không chuyển sang được ví hãng khác, khác ngân hàng không thể chuyển tiền vào ví. Cụ thể, có 2 loại ví điện tử, ví được phát hành bởi ngân hàng không giới hạn, vì ngân hàng đã có sẵn thông quan qua Napas. Trong khi đó, ví điện tử của các công ty Fintech bị hạn chế theo luật của Ngân hàng Nhà nước, chỉ cho phép nạp vào và tiêu dùng trong số tiền đã nạp.
“Mỗi ví điện tử có một thế mạnh riêng, nếu chúng ta làm hệ thống phát hành mọi ví đều nhìn thấy nhau, có thể chuyển khoản cho nhau sẽ rất tốt. Nhưng hiện nay các hệ thống tài chính vẫn chưa làm được”, ông Thắng nói.
Ông Thắng khẳng định, lĩnh vực tài chính phải đi trước một bước trong chuyển đổi số, kéo theo một loạt các doanh nghiệp chuyển đổi theo, làm cái lõi cho nền kinh tế số.
Chuyển đổi số giúp mã hóa được tài sản
Ông Lương Hoàng Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo nhận định, các nước phát triển trên thế giới đã đi trước Việt Nam nhiều năm trên nền tảng kinh tế tri thức, phát triển ra hệ thống các công nghệ khác nhau trong đó có nền kinh tế số.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ cho phép doanh nghiệp nâng cao tầm quan trọng của các tài sản số hóa, được bảo vệ quyền lợi của các cá nhân.
Theo đó, công nghệ blockchain có thể giúp mã hóa các tài sản hiện hữu, tài sản trí tuệ. Đây gần như là bảo vệ tuyệt đối quyền sở hữu tài sản trí tuệ, các sáng chế, nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp.
“Ví dụ một bức tranh của các họa sĩ, khi mã hóa bằng công nghệ blockchain sẽ không thể sao chép được. Đoạn mã sẽ được giữ trong ví của người sở hữu mà không ai sao chép. Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ sẽ được bảo vệ gần như là tuyệt đối, trừ khi bị mất ví”, ông Hưng nhận định.
Theo ông Hưng, các cá nhân, doanh nghiệp, nhà sáng chế có thể bảo vệ được quyền lợi của mình, thông qua áp dụng công nghệ số. Ngoài ra, còn có thể góp phần nâng cao giá trị tài sản, tạo giá trị thặng dư cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hay các cá nhân trong mọi lĩnh vực.