Đón cơ hội kinh tế phục hồi thay vì nôn nóng rót vốn vào các kênh đầu tư rủi ro
Trong thời gian gần đây, giá của một số loại hàng hóa trên thi trường biến động rất lớn.
Điển hình như giá vàng trong nửa đầu tháng 7/2020 đã vượt qua mức 1,800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011 và tiếp tục vượt qua mốc 2,000 USD/ounce trong những ngày đầu tháng 8. Nhưng cũng chỉ sau đó, giá vàng đã có thể “bốc hơi” 150 USD/ounce chỉ trong vòng 24 giờ
Giá vàng trong nước cũng biến động đồng pha khi chỉ xoay quanh mốc 44 - 45 triệu đồng/lượng hồi tháng 2/2020 và sau đó tăng liên tục theo giá vàng thế giới, đạt đỉnh vào sáng ngày 08/08/2020 với giá mua vào - bán ra chênh nhau gần 2 triệu đồng/lượng (60.32 - 62.42 triệu đồng/lượng). Thế nhưng giá vàng trong nước giảm về ngay trong chiều hôm đó và tiếp tục lao dốc nhưng hiện tại vẫn ở mức cao xoay quanh mức 53.18 - 55.8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Tuy nhiên, đầu tư vào vàng thời điểm này không được các chuyên gia vàng khuyến nghị, bởi rủi ro được xem là quá cao.
Thứ nhất, giá vàng đã tăng một thời gian dài, đầu tư vàng thời điểm này là khá muộn, nhất là với nhà đầu tư có ý định lướt sóng.
Thứ hai, hiện nay, các nước đều đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng điểm khá tốt, dòng tiền bị phân hóa, chứ không chỉ trú ẩn vào vàng. Vàng có thể tiếp tục tăng, song không tăng mạnh.
Thứ ba, một khi vắc-xin điều trị Covid-19 ra đời, giá vàng có thể sẽ tuột dốc không phanh.
Thứ tư, giá vàng trong nước không liên thông với thế giới, biên độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán luôn được “nhà vàng” duy trì ở khoảng cách lớn, nên cơ hội kiếm lời ở thị trường này rất ít.
Riêng với chứng khoán, dòng tiền đang có sự chuyển động thú vị. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cao kỷ lục trong tháng 6/2020, với 35.046 tài khoản, chủ yếu là tài khoản cá nhân. Dòng tiền nóng từ nhà đầu tư mới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau cú sốc Covid-19.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho biết, có hiện tượng một số nhà đầu tư cá nhân bán bất động sản, rút tiền tiết kiệm ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán. Đây là điều đáng lo, bởi xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn còn rất bất ổn.
“Dù thị trường tăng điểm, nhưng thanh khoản giảm dần đều và thấp kỷ lục trong nửa đầu tháng 6/2020. Lý do là có một lượng giao dịch lớn khi VN-Index ở vùng giá 890 - 910 điểm, có nghĩa là lượng hàng lớn bị kẹt ở vùng giá này. Nếu thị trường không lấy lại được mức giá đó và đi xuống, thì nhà đầu tư mới sẽ thiệt hại nặng”, ông Khánh cảnh báo
Cũng theo ông Khánh, hiện có sự khác biệt rất lớn giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức. Trong khi nhà đầu tư cá nhân hăm hở đầu tư, thì nhà đầu tư tổ chức rất thận trọng. Lượng mở mới tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, trong khi tỷ lệ chào bán thành công trái phiếu chính phủ lại tăng vọt, bất chấp lãi suất ngày càng giảm.
Tâm lý chung của người dân vẫn ở thế 'thủ'.
Con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phần nào cho thấy chưa hề có sự dịch chuyển dòng tiền khỏi kênh tiết kiệm, nếu không muốn nói là ngược lại. Cụ thể, tổng lượng tiền gửi khách hàng thống kê theo BCTC quý 2 của 26 ngân hàng tại ngày 30/06/2020 đạt hơn 6.2 triệu tỷ đồng, tăng 4.46% so với đầu năm.
Xét về lý thuyết, trong hoàn cảnh lãi suất ngân hàng giảm, người dân có thể rút tiền ra đầu tư vào các tài sản khác có khả năng sinh lời hơn hiện nay như vàng, bất động sản. Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) - ông Phan Dũng Khánh cho rằng, đó là về mặt lý thuyết, còn thực tế trong thời điểm này việc chuyển đầu tư như thế là rất khó.
“Cho dù người dân rút tiền gửi tiết kiệm ra mua vàng giữa lúc giá vàng lên mức 62 triệu đồng/lượng như lúc đỉnh điểm vừa qua vẫn sẽ mang tính rủi ro khá cao, vì giá vàng hiện tại đã gần gấp đôi năm trước, và khi nào giá vàng hồi lại càng không ai có thể đoán trước được”, ông Khánh đánh giá.
Rõ ràng, sau khi lên đến 62 triệu đồng/lượng vào sáng ngày 07/08 và đảo chiều rớt gần 10 triệu đồng/lượng trong phiên sáng 12/08 và đến chiều ngày 12/08 hồi lại 56 triệu đồng/lượng. Có thể nói giá vàng nhảy múa như một “ma trận” không ai có thể đoán trước được, nên vẫn mang nhiều tính rủi ro.
Cũng theo ông Khánh, nếu nói về người gửi tiết kiệm vì lãi suất giảm mà rút ra càng khó, vì lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam hiện nay dù thấp hơn 1-2 năm trước, nhưng vẫn còn rất cao so với cách nay 5-6 năm. Và nếu so mức lãi suất tiết kiệm này với nước ngoài càng cao hơn nữa. Tính riêng việc VNĐ đã tăng giá so với các đồng tiền khác trong những năm gần đây, thì chỉ cần gửi tiền trong ngân hàng với lãi suất dương là đã có lợi hơn so với các đồng tiền khác.
Thêm nữa, trái phiếu Chính phủ (TPCP) của Việt Nam bán liên tục trong thời gian qua. Hiện nay, lãi suất TPCP chỉ cần ở mức quanh 3%, hoặc có kỳ hạn dưới 3%, chỉ bằng 50% so với cách nay 2-3 năm, nhưng lượng đấu giá thành công luôn trên 90%, trong khi mức từ trước 3 năm trở về trước mức thành công chỉ quanh 50%. Tại sao lãi suất thấp như vậy mà người ta vẫn mua? Điều này có nghĩa là nhu cầu của nhà đầu tư không phải để sinh lời, mà chỉ muốn giữ tiền.
Nên việc nói lãi suất thấp mà người dân chuyển tiền sang mua vàng, đất đai là khó, giá vàng thì nhảy múa liên tục, giá đất cũng không giảm. Theo số liệu của Bộ Xây dựng cho biết giá đất trong quý 2 tăng 0.25% so với quý trước, mặc dù thanh khoản giảm, nhưng giá đất vẫn tăng và vẫn còn ở mức rất cao.
Giống như trên thị trường chứng khoán, trong quý 1/2020 đã rớt mạnh, thì đến quý 2/2020 lại tăng vọt do nhà đầu tư F0 vào bắt đáy. “Đất đai không có đáy và vẫn đang tăng. Vàng thì đã ở đáy cách đây 5 năm”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Do đó, việc hạ lãi suất kích thích về mặt tinh thần là chính, thực tế kinh tế phải phục hồi, dịch bệnh được kiểm soát,… Trong khi tâm lý bây giờ ai cũng thủ tiền, thậm chí lãi suất hạ nhưng số lượng tiền gửi trong ngân hàng vẫn tăng. Thêm nữa lãi suất TPCP hạ rất thấp, các tổ chức vẫn mua, đó có nghĩa là những dòng tiền lớn không có ý định đầu tư kinh doanh, chỉ muốn phòng thủ.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ