Hà Nội, Thứ Tư Ngày 09/10/2024

Dự báo lãi suất cho vay giảm từ đầu năm 2020

DTVN 11:50 15/11/2019

Từ đầu tháng 11, mặc dù đã có nhiều ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động nhưng giới chuyên gia nhận định, vẫn chưa đủ để tạo "sóng" vào cuối năm.

Lãi suất giảm theo xu hướng nghành trên toàn thế giới

Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã có động thái hạ lãi suất lần thứ hai trong năm, xuống mức 1,25%/năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất kể từ 2010 của nước này.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng vừa cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.

Trước đó, một số quốc gia tại Châu Á đồng loạt hạ lãi suất từ 2 đến 4 lần. Thậm chí, Ấn độ và Indonesia còn nới lỏng tài khóa thông qua chương trình giảm thuế khá mạnh để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có tổng cộng 46 ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trên khi giảm lãi suất điều hành vào ngày 16/9. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, hy vọng giảm lãi suất điều hành tiến tới nới lỏng định lượng để thẩm thấu xuống thị trường 1 là khó khả thi. Thực tế cũng cho thấy, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại không ngừng tăng cao kể từ thời điểm trên.

Song, sang đầu tháng 11, đã xuất hiện một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,1-0,2 điểm phần trăm. Trong đó, tại VietCapital, lãi suất kỳ hạn 7 tháng từ 7,8%/năm giảm xuống còn 7,6%/năm. Ngoài ra, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 24 – 60 tháng tại ngân hàng này cũng giảm 0,1 điểm phần trăm.

Tương tự, trong biểu lãi suất huy động của Eximbank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng giảm xuống 8,1%/năm từ mức 8,3%/năm trước đó; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 7,7%/năm.

Với NamABank, tại biểu lãi suất hiệu lực từ 5/11, kỳ hạn 16 tháng và 17 tháng lãi suất giảm 0,3 điểm phần trăm về mức 7,4%/năm. Hay tại VPBank, từ ngày 8/11, lãi suất tiền gửi khách hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm trung bình 0,1%.

Không chỉ các ngân hàng tư nhân, hai trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng của BIDV giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm; lãi suất tại 2 kỳ hạn này ở Vietcombank là 4,5%/năm.

Nhận xét về xu hướng trên, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động này nằm trong hướng phát triển của mỗi ngân hàng cũng như nằm trong chủ trương giảm lãi suất chung từ phía nhà điều hành.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu giảm thêm tối thiểu 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi

Thực tế, mặc dù còn khó khăn trong việc tiết giảm chi phí đầu vào do phải tăng huy động kỳ hạn dài ngày để tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, song nhiều ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi để hút khách hàng cuối năm.

Thêm vào đó, NHNN giảm thêm lãi suất tín phiếu lần thứ ba, hiện ở mức 2,25%/năm - cũng là điều kiện để các ngân hàng giảm thêm lãi suất, kích cầu tín dụng. Khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất đầu ra cũng sẽ giảm theo.

Chẳng hạn, tại Eximbank, ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, bên cạnh các gói sản phẩm tín dụng được cung cấp cho doanh nghiệp theo từng ngành nghề, Eximbank còn dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãi suất từ 6,99%/năm với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp này có thể chủ động được nguồn vốn kinh doanh.

VPBank có chương trình hỗ trợ 80% giá trị khoản vay, thời gian vay tối đa 8 năm. Khách hàng được lựa chọn một trong các mức lãi suất 6,9%/năm, 7,9%/năm và 8,9%/năm cố định trong lần lượt từ 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng đầu tiên… Đáng chú ý, khách hàng sẽ được giải ngân trong vòng 4 giờ sau khi hồ sơ được phê duyệt.

Tại Nam A Bank, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, Ngân hàng đưa ra mức lãi vay từ 6,5%/năm đối với các khoản vay dài hạn (36-120 tháng), từ 7,5%/năm với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng). Lĩnh vực tín dụng xanh được Nam A Bank ưu đãi lãi vay 7,5%/năm.

Vietbank cũng dành 500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ…, lãi vay từ 7%/năm. ABBank dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu năm gần nhất tối đa là 200 tỷ đồng, lãi vay cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu chỉ từ 8,3%/năm.

Tại ACB, từ nay đến 31/12/2019, ngân hàng này đưa ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động, lãi suất vay từ 7,5%/năm.

Liên quan tới tăng trưởng tín dụng, tính đến hết tháng 9/2019, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 9,4% so cuối năm 2018. Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra từ đầu năm, dư địa để tăng dư nợ quý cuối năm vẫn rất cao.

Do đó, theo nhận định của ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất đầu ra khó có thể tăng mạnh, bởi nếu tăng, các ngân hàng khó có thể thu hút được khách hàng vay vốn, kể cả với tín dụng nhỏ lẻ, tiêu dùng hay cho vay mua nhà.

Nhóm phân tích SSI Retail Research (Công ty Chứng khoán SSI) cho rằng, khả năng việc giảm lãi suất huy động trong quý IV/2019 là khá thấp do tính chất mùa vụ, nhưng khả năng sẽ giảm từ đầu năm 2020.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//du-bao-lai-suat-cho-vay-giam-tu-dau-nam-2020-d64771.html

Bạn đang đọc bài viết Dự báo lãi suất cho vay giảm từ đầu năm 2020 tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng