Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Sau thương vụ góp vốn khủng, có nên mua cổ phiếu BIDV?

DTVN 16:54 14/11/2019

Keb Hana Bank và BIDV vừa hoàn thành thương vụ góp vốn mua cổ phần có giá trị cao nhất trong lịch sử. Cổ phiếu BID cũng nhờ đó mà đang liên tục lập đỉnh trong những ngày qua.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) vừa hoàn tất phát hành riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu cho đối tác KEB Hana Bank, với giá 33.640 đồng/cổ phần.

Theo đó, Keb Hana Bank đầu tư 20.300 tỷ đồng để sở hữu 15% cổ phần, thời gian nắm giữ cổ phần ít nhất 5 năm. Vốn điều lệ sau chào bán của BIDV nâng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.

Cùng với đó, BIDV sẽ nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn tài chính Hana, Ngân hàng Keb Hana bao gồm nhưng không giới hạn trên 6 lĩnh vực: Quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; Quản lý hệ thống công nghệ và Ngân hàng số; tăng cường phát triển Ngân hàng bán lẻ; đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; Quản trị rủi ro; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Lợi nhuận sau thuế giảm 2,6%

Kết quả kinh doanh 9 tháng 2019 của BIDV vừa công bố lại ghi nhận giảm 2,6% về lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ khi đạt 5,5 nghìn tỷ đồng. ROA và ROE tính từ đầu năm đến hết 9 tháng 2019 đạt lần lượt 0,5% và 12,9%.

Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ 3,2 tỷ đồng sang có lãi hơn 175 tỷ đồng, trong khi chứng khoán đầu tư giảm từ 241,8 tỷ đồng xuống lỗ 2,3 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác giảm nhẹ lần lượt còn 342 tỷ và 1.203 tỷ đồng, so với mức hơn 360 tỷ và 1.270 tỷ cùng kỳ 2018.

Chi phí hoạt động trong kỳ giảm 18% xuống 3.512 tỷ đồng. Ngân hàng lãi trước trích lập 8.075 tỷ đồng, tăng 22%. Sau khi trừ chi phí dự phòng 2.319 tỷ đồng (tăng 1%), ngân hàng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.814 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí dự phòng tăng lên 14,9% so cùng kỳ, thổi bay 70,1% lợi nhuận trước dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu đạt 2,09% tại thời điểm cuối quý, tăng từ mức 1,90% cuối năm 2018 và đạt mức cao nhất từ năm 2014 đến nay.

Do đó, BIDV cần nỗ lực nhiều hơn trong xử lý nợ xấu và cải thiện rủi ro tín dụng.

BIDV ưu tiên mục tiêu xử lý các khoản nợ VAMC

Lợi nhuận sụt giảm là do BIDV tập trung nguồn lực để đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số và quản lý chất lượng tài sản với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược mới.

BIDV đã và đang ưu tiên mục tiêu làm sạch bảng cân đối kế toán và xử lý các khoản nợ VAMC hơn là chú trọng tăng trưởng lợi nhuận ở giai đoạn hiện tại. Dù vậy, với nguồn vốn mới, VDSC cho rằng Ngân hàng vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận (dù khiêm tốn) là 10% trong năm 2019.

Sau khi xử lý xong trái phiếu VAMC, chi phí dự phòng dự báo sẽ giảm ít nhất 24% vào năm 2020. Như vậy, VDSC hy vọng thu nhập sẽ tăng tốc đáng kể trong năm 2020.

Theo VDSC, BIDV đang giao dịch ở mức P/B 2019 là 2.2x, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của các ngân hàng khác (trừ Vietcombank).

BIDV vẫn đang có kế hoạch tiếp tục thực hiện phát hành thêm 10% cho nhà đầu tư tài chính nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Chính phủ xuống 65% trong các năm sau.

Dù vậy, việc phát hành này sẽ chưa được thực hiện tối thiểu trong vòng 6 tháng sau khi phát hành cho KEB Hana Bank.

Cổ phiếu BID đang ở mức cao

Phản ứng trước các thông tin trái chiều trong thời gian qua, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/11, cổ phiếu BID đóng cửa tại 42.100 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng hơn 25% chỉ trong vòng 1 quý và cao nhất trong vòng 18 tháng qua. Vốn hóa thị trường đạt gần 170 ngàn tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), KEB Hana đang nhìn nhận BIDV là một đối tác đắt giá để phát triển kinh doanh ở Việt Nam với tiềm năng tiếp cận quy mô khách hàng và nhà cung cấp hiện tại.

Biến động cổ phiếu BID từ khi niêm yết đến nay. Ảnh: Vietnamdaily

Tuy nhiên, thông thường sẽ cần 3-5 năm cho các nhà đầu tư chiến lược bắt đầu ghi nhận được các lợi ích. Do đó, VCSC cho rằng định giá cho cổ phiếu BID đang ở mức cao.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với nguồn tiền mới từ KEB Hana Bank, BIDV sẽ có những thay đổi tích cực về các yếu tố cơ bản cũng như triển vọng tăng trưởng trong những năm tới.

Cụ thể là cải thiện bộ đệm vốn, từ đó cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn. CAR (Basel 1) đã tăng lên 10.5% và CAR (Basel 2) được ước tính ở mức cao hơn 9%. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng ở mức bình quân 14-15% mỗi năm trong các năm tới.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sau-thuong-vu-gop-von-khung-co-nen-mua-co-phieu-bidv-d64662.html

Bạn đang đọc bài viết Sau thương vụ góp vốn khủng, có nên mua cổ phiếu BIDV? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng