Tín dụng đen diễn biến phức tạp
Theo số liệu thống kê của Viện Tài chính – Ngân hàng, Trường đại học Quốc gia Hà Nội, tín dụng đen hiện chiếm 30 - 35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong giai đoạn 2015 - 2018, toàn quốc xảy ra trên 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen.
Ảnh minh họa |
Để ngăn chặn tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Ngay lập tức, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1178/2019/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg. Song song với đó, NHNN cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội để phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo đó, ngân hàng cũng nhanh chóng nhập cuộc “tuyên chiến” với tín dụng đen. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 8/2019, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69% tổng dư nợ tín dụng. Đơn cử như gói cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình của Agribank, lãnh đạo nhà băng này cho biết, doanh số cho vay của gói này đến nay đạt 3.791,348 tỷ đồng, hiện 79.098 khách hàng còn dư nợ 1.667,328 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Theo thống kê cả nước đã xảy ra 1.178 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen, trong đó đã khởi tốt 436 vụ, khởi tố 766 bị can...
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến “vòi bạch tuộc” tín dụng đen vẫn len lỏi tại các miền thôn quê, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, là do hiểu biết của người dân về tác hại của tín dụng đen còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều người dân không đáp ứng được điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức của các ngân hàng, nên buộc phải tìm tới tín dụng đen mỗi khi có nhu cầu. Chưa kể, thủ tục xét duyệt tín dụng của các ngân hàng cũng khá phức tạp, nhiều khi vay được tiền thì đã lỡ hết việc.
“Yếu tố làm nên sức sống của tín dụng đen là thủ tục gọn nhẹ, người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân là đã có thể vay được tiền chỉ trong vòng có vài phút, bất kể ngày đêm, nên đã đánh trúng vào nhu cầu của người dân”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Cần có quy định cho vay dười chuẩn
Vị chuyên gia ngân hàng trên cũng tỏ ra rất thông cảm với những khó khăn của các nhà băng. Bởi muốn áp chế được tín dụng đen, hoạt động cho vay của các ngân hàng phải thông thoáng hơn, có nghĩa các nhà băng phải đẩy mạnh cho vay tín chấp, thay vì yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo như hiện nay.
Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa rủi ro đối với các ngân hàng là rất lớn, bởi nhiều khi đối tượng khách hàng có nghề nghiệp không ổn định nên khả năng trả nợ cũng rất bấp bênh. Nếu ngân hàng tăng lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp cao hơn so với các khoản vay thông thường có tài sản đảm bảo để bù đắp rủi ro, thì sẽ khó hấp dẫn được các đối tượng khách hàng này. Hơn nữa, đa số các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống đều là nhỏ lẻ, nên chi phí cũng cao hơn.
Thậm chí, nếu cho vay tiêu dùng tín chấp với lãi suất cao hơn, biện lợi nhuận lớn hơn, thì nhiều ngân hàng vẫn “lắc đầu”. Bởi ngân hàng cũng chỉ là một trung gian tài chính, nguồn vốn để cho vay chính là tiền gửi của người dân, nên yêu cầu cao nhất đối với họ là phải bảo toàn được nguồn vốn cho vay, tức là phải đảm bảo khả năng thu nợ.
T.S Nguyễn Đức Độ - Học viện tài chính cũng, cho rằng khi cho vay, ngân hàng phải có trách nhiệm với đồng vốn, phải chịu trách nhiệm với người gửi tiền, với cổ đông... Vì vậy, các ngân hàng có thể mở rộng tín dụng tiêu dùng, nhưng không thể “nới tay” một cách quá mức mà vẫn cần phải soát xét một cách thận trọng.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Tài chính – Ngân hàng, Trường đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không thể yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay với những đối tượng không đáp ứng được điều kiện, còn muốn các ngân hàng cho vay thì Chính phủ và NHNN phải có cơ chế hỗ trợ về chính sách. Thậm chí theo vị chuyên gia này, cần có một chương trình quốc gia để xử lý tín dụng đen với tên gọi “Chương trình cho vay ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen” để tạo ra nguồn lực và động lực cho các TCTD Việt Nam khi tham gia cuộc chiến chống tín dụng đen.
Đại diện cho các nhà băng, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ các ngân hàng cho vay tiêu dùng. Bởi hiện các đối tượng tìm đến tín dụng đen thường là một bộ phận người dân nghèo, không có tài sản bảo đảm, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nên để hỗ trợ người dân tránh xa tín dụng đen thì nên đưa ra quy định cho vay dưới chuẩn.