Cùng ngày 18/3/2020, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho CTCP Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu, quá trình cho vay BIDV có nhiều vi phạm, nhưng hiện tại BIDV vẫn đang đôn đốc thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.
Tổng dư nợ của 8 doanh nghiệp này tại BIDV tạm tính lên đến hơn 5.377 tỷ đồng. Đáng chú ý, cùng với dư nợ tại BIDV, các doanh nghiệp này cũng đang có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng khác. Theo Nhà đầu tư phân tích: Cụ thể, CTCP hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) có dư nợ tại BIDV là 1.837,423 tỷ đồng và dư nợ tại 7 tổ chức tín dụng khác là 3.350,005 tỷ đồng.
Trong đó Vietinbank là 1.234,724 tỷ đồng, VIB là 224,495 tỷ đồng, MBBank là 224,495 tỷ đồng, Oceanbank là 336,743 tỷ đồng, PVCombank là 1.059,57 tỷ đồng, VRB là 155,414 tỷ đồng, The Siam Commerical Bank là 114,565 tỷ đồng. Hiện công ty này đã dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ.
Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Tổng hợp Dầu khí (PVTex). Đơn vị này có mối liên hệ gắn bó với ngân hàng PVCombank.
Năm 2008, HĐQT PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng trong bối cảnh chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại toàn bộ đều đi vay.
Sau khi hoàn thành các hạng mục dự án, tháng 7/2011, nhà máy cho chạy thử được công bố là thành công nhưng sau đó vẫn không thể vận hành thương mại. Hàng chục đợt chạy thử tiếp theo, cho ra lò hàng chục ngàn tấn sản phẩm vẫn không đạt chất lượng nên Vinatex không tiêu thụ. Lúc này PVTex nhìn nhận các sản phẩm của nhà máy này đã không đạt chất lượng.
Sau 5 năm giữ chức Tổng giám đốc PVTex (từ 2009 đến tháng 2/2014), ông Vũ Đình Duy bị giáng chức xuống làm Phó Tổng giám đốc vài tuần sau khi lễ ký bàn giao nghiệm thu nhà máy. Ít tháng sau, ông về làm Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, bỏ lại sau lưng dự án vận hành phập phù, đến năm 2015 phải dừng hoạt động.
Năm 2016, Bộ Công an khởi tố 5 bị can liên quan gồm ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex; ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex; ông Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX ; ông Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX và ông Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC. Tuy nhiên trước khi vụ án được phanh phui, Vũ Đình Duy đã bỏ trốn. PVTex trở thành một trong những dự án nghìn tỉ “đắp chiếu”.
CTCP nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai dư nợ tại BIDV là 723,424 tỷ đồng; dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 2.588,35 tỷ đồng (Sacombank 262,445 tỷ, VPBank 1.781,616 tỷ, NCB 300 tỷ, TPBank 543,989 tỷ).
CTCP Tập đoàn Khải Vy có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng và dư nợ tại BaoVietBank là 423,459 tỷ đồng.
CTCP Thuận Thảo – Nam Sài Gòn có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng. Công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ.
CTCP Thép Vạn Lợi có dư nợ tại BIDV là 350 tỷ đồng, hiện vẫn con tài sản bảo đảm và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Việc ra quyết định tách vụ án hình sự để chuyển cho Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (NHNN) quản lý; theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, cùng các khoản cấp tín dụng khác đã được nêu tại Kết luận Thanh tra số 3571/KL-TTGSNH1 ngày 20/10/2017 của Cơ quan TTGSNH.
Trên cơ sở kết quả xử lý, thu hồi nợ, nếu Cơ quan TTGSNH xác định có sai phạm và thiệt hại, có dấu hiệu tội phạm hình sự, đề nghị chuyển Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Với khoản cho vay đối với CTCP Tiến Phước và 990, theo xác minh của CQĐT, doanh nghiệp này có dư nợ tại BIDV là 1.823,742 tỷ đồng, Vietinbank là 157,288 tỷ đồng và Baovietbank là 116,027 tỷ đồng. Tổng cộng là 2.097,057 tỷ đồng.
Tiến Phước & 990 là chủ đầu tư tổ hợp khách sạn và cao ốc văn phòng Le Meridien Saigon có vị trí đắc địa tại 3C Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Công trình có vốn đầu tư 120 triệu USD, khởi công vào cuối năm 2010 và hoàn thành hai năm sau đó.
Dự án nổi danh Sài Thành được biết đến nhiều với sự hợp tác giữa Tiến Phước Group - tập đoàn bất động sản của gia đình doanh nhân Nguyễn Thành Lập và Công ty 990 của Công an TP.HCM. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Công ty 990 khoảng năm 2015-2016 đã chuyển nhượng 27% vốn trong liên doanh cho bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - con gái thứ ba của vợ chồng Chủ tịch Tiến Phước.
Sau khi doanh nghiệp ngành công an thoái lui, Tiến Phước & 990 tăng mạnh vốn từ 350 tỷ đồng lên 1.438 tỷ đồng hiện nay. Cơ cấu cổ đông qua nhiều lần thay đổi, hiện ổn định là CTCP BĐS Tiến Phước (49,805%), bà Nguyễn Thị Mỹ Phương (9,193%), bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (0,049%), và 40,953% còn lại thuộc về Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI - một pháp nhân dù không có quan hệ sở hữu trực tiếp với nhà ông Nguyễn Thành Lập, song cũng là một thành viên trong hệ sinh thái Tiến Phước Group.
Tiến Phước Group có dấu hiệu khá căng thẳng về dòng tiền, khi vay tới 2.600 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong hai năm đổ lại. Trong đó có trường hợp công ty con vốn chỉ 20 tỷ song huy động tới 1.023 tỷ đồng, với tỷ lệ 51 lần qua phương thức này.
Việc tách vụ án để chuyển cho Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (NHNN) quản lý; theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, cùng các khoản cấp tín dụng khác đã được nêu tại Kết luận Thanh tra số 3571/KL-TTGSNH1 ngày 20/10/2017 của Cơ quan TTGSNH.
Trên cơ sở kết quả xử lý, thu hồi nợ, nếu Cơ quan TTGSNH xác định có sai phạm và thiệt hại, có dấu hiệu tội phạm hình sự, đề nghị chuyển Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủy Phong (TH)/SHTT