Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Các 'ông lớn' ngân hàng đồng loạt rao bán tài sản đảm bảo: Có bất thường không?

Theo ANTT 07:14 23/09/2019

Hàng loạt các "ông lớn" ngân hàng như BIDV, VietinBank, SHB và Sacombank ghi nhận số liệu nợ có khả năng mất vốn cao nhất hệ thống.

Nguồn tin trên báo Lao Động cho hay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa rao bán, thanh lý khối bất động sản khủng trị giá gần 10.000 tỉ đồng của tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác.

Khối bất động sản mà Sacombank rao bán tập trung chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh với hơn 10 nhóm bất động sản

Giá trị lớn nhất trong số tài sản Sacombank đang rao bán là một số thửa đất ở xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM trị giá 931 tỉ đồng. Đất có diện tích trên 76.200 m2, mục đích sử dụng đất cơ sở thể dục thể thao có kinh doanh, xây dựng khu vui chơi, giải trí, thể dục… Cũng trên địa bàn H.Bình Chánh nhưng một thửa đất tại xã Tân Kiên có diện tích 52.976 m2 được Sacombank rao bán có giá 397,5 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, Sacombank bán đấu giá 8 khu đất, quyền sử dụng đất với tổng giá trị khởi điểm gần 19 tỉ đồng.

Theo Thanh niên, việc Sacombank rao bán 6 bất động sản này để xử lý nợ với trị giá gần 3.500 tỉ đồng. Trước đó, Sacombank đã bán thành công một số bất động sản như 37 quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 72.639 m2 tại ấp Phước Yên, xã Phú Quới, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với giá khởi điểm 343,4 tỉ đồng; bán thành công nhà 333 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM…

Còn thông tin trên NDH, không chỉ Sacombank rao bán tài sản để thu hồi nợ mà một số ngân hàng lớn khác cũng có động thái quyết liệt xử lý nợ xấu.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 10.492 tỷ đồng nợ nhóm 5, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng, tương đương 0,98% tổng dư nợ.

Đáng chú ý nhất trong số những nhà băng có khả năng “mất vốn” là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 10.492 tỷ đồng nợ nhóm 5, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng, tương đương 0,98% tổng dư nợ. Tính riêng trong tháng 9, các chi nhánh của BIDV đã phát gần 30 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo.

Gần đây nhất, BIDV thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 7 đường số 1E KDC Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Khu đất ở có diện tích 204 m2, nhà ở có tổng diện tích sử dụng 222 m2, diện tích xây dựng 108,8 m2. Giá khởi điểm của tài sản là 18,5 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng thuộc nhóm nhà băng có khả năng mất vốn nên phải rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng đứng top đầu về giá trị nợ có khả năng mất vốn với 7.521 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,47%, giảm 11 điểm cơ bản. Đây cũng là ngân hàng liên tục công bố thanh lý tài sản đảm bảo phần lớn, trong đó phần lớn là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tính riêng tháng 9, ngân hàng công bố xử lý 6 tài sản thế chấp với 2 bất động sản giá trị lớn nhất theo giá bán là quyền sử dụng đất của bên ủy quyền tại thửa đất số 131, tại Vĩnh Phúc có giá khởi điểm 12 tỷ đồng. Thứ hai là căn hộ chung cư số A1705, diện tích 155,6m2, tòa A, chung cư 48 tầng Keangnam Vina có giá bán dự kiến hơn 6,2 tỷ đồng.

Việc xử lý 2 tài sản trên được VietinBank đưa ra trong thông báo ngày 4/9 cùng 2 tài sản khác có tổng trị giá lên tới 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó phía ngân hàng cho biết đã làm việc với khách hàng để xử lý khoản vay liên quan đến các tài sản này. Tính từ đầu năm, VietinBank đã có gần 70 thông báo thu hồi, bán và xử lý tài sản đảm bảo.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng là ngân hàng cũng tích cực công bố thu hồi và đấu giá tài sản đảm bảo. Riêng tháng 9, ngân hàng thông báo thu hồi 15 tài sản bảo đảm để xử lý nợ, chủ yếu là bất động sản. Từ đầu năm, SHB đã có gần 60 thông báo thu giữ tài sản đảm bảo.

SHB đứng thứ 3 về giá trị nợ có khả năng mất vốn gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 2,07% tổng dư nợ của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của SHB đến cuối tháng 6 ở 2,88%, tăng so với mức 2,4% đầu năm.

Cũng theo thông tin trên NDH, sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 8/2017, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh việc thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo. Sacombank, SHB, VietinBank và BIDV là những ngân hàng báo nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) rất tích cực công bố thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cac-ong-lon-ngan-hang-dong-loatrao-ban-tai-san-dam-bao-co-bat-thuong-khong-d62020.html

Bạn đang đọc bài viết Các 'ông lớn' ngân hàng đồng loạt rao bán tài sản đảm bảo: Có bất thường không? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
BCTC là những báo cáo được trình bày hết sức tổng quát, phản ánh tổng quan nhất về tình hình tài sản, tài chính, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản và kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.