Theo thông tin trên Vneconomy, tại nghiệp vụ thị trường mở hôm 16/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở lại chào thầu tín phiếu sau chuỗi dừng từ phiên ngày 22/8 vừa qua. Trong ngày, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 12.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày. Và đây cũng là phiên đầu tiên, lãi suất tín phiếu được giảm từ 2,75% xuống 2,5% theo quyết định cắt giảm lãi suất điều hành.
Mặc dù lãi suất giảm xuống, song khối lượng chào thầu vẫn được các tổ chức tín dụng hấp thụ hầu như toàn bộ, đồng nghĩa với việc nguồn vốn bắt đầu có dấu hiệu dư thừa tạm thời và thanh khoản cũng dồi dào trở lại.
Theo báo cáo mới nhất từ phía Công ty Chứng khoán SSI: "Sau hai đợt mua vào ngoại tệ rất lớn là tháng 4 tháng đầu năm và từ tháng 7 đến nay, dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức cao nhất, ước tính khoảng 70 tỷ USD".
Như vậy, với hoạt đồng mua vào USD từ phía nhà điều hành, một lượng VND tương ứng cũng được trả lại thị trường. Và nhiều khả năng, trạng thái dư thừa tạm thời trên là hệ quả.
Trong phiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất hạ xuống mức 4,50%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Qua đó, nhà điều hành hút ròng 12.000 tỷ đồng từ thị trường.
Cũng phản ánh dòng tiền VND lớn chảy ra thị trường, tỷ giá liên ngân hàng chốt phiên ở mức 23.220 VND/USD, bật tăng mạnh 17 đồng so với phiên cuối tuần trước. Song song, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.190 - 23.220 VND/USD.
Ảnh minh họa |
Thông tin trên Bizlive cũng cho hay, hôm 16/9, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước trở lại phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, sau khi tạm ngừng hoạt động này từ phiên ngày 22/8/2019.
Đáng chú ý, nhà điều hành cũng đã giảm lãi suất tín phiếu nói trên từ 2,75%/năm xuống 2,5%/năm, là lần giảm thứ hai từ mốc 3%/năm trước đó, cùng ở kỳ hạn 7 ngày.
Sang ngày 17/9, thị trường mở tiếp tục ghi nhận Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu với quy mô lớn, vẫn ở kỳ hạn 7 ngày với 14.999,5 tỷ đồng, lãi suất 2,5%/năm và thu hút tới 11 thành viên tham gia. Nhà điều hành cũng đã phát hành lượng lớn với quy mô 12.000 tỷ đồng.
Như vậy, một mặt hoạt động và quy mô hút bớt tiền về nói trên phản ánh nguồn vốn VND và thanh khoản hệ thống có biểu hiện dư thừa ngắn hạn. Mặt khác cũng gián tiếp phản ánh khả năng Ngân hàng Nhà nước vừa trở lại mua vào lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dư trữ ngoại hối quốc gia.
Chốt hai phiên liên tiếp ngày 16 và 17/9, lượng tiền VND hút về quy đổi đã tương đương với 1,16 tỷ USD nhờ phát hành tín phiếu.
Theo Tiền phong, trước đó, chiều ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo về việc chính thức hạ lãi suất điều hành trên thị trường liên ngân hàng và thông qua một số biện pháp nghiệp vụ bắt đầu từ thứ hai 16/9 tới đây.
Qua đó, từ ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.
Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Cùng đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.