Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Tăng vốn ảo và những bài học

DTVN 22:32 07/09/2019

Cơ quan công an vừa đề nghị truy tố 4 bị can về tội danh 'Thao túng thị trường chứng khoán' đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA).

KSA là một trong những doanh nghiệp bị phát hiện tăng vốn ảo nhằm mục đích “làm giá” cổ phiếu trên sàn, gây thiệt hại cho cả ngàn nhà đầu tư. Nhận diện nguy cơ doanh nghiệp tăng vốn ảo sẽ giúp nhà đầu tư phòng tránh được rủi ro.

Cách thức tăng vốn ảo

Các doanh nghiệp thực hiện tăng vốn để phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư là điều rất bình thường, thậm chí là tất yếu trong quá trình lớn mạnh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong thế giới kinh doanh và đầu tư có nhiều rủi ro, mà tổn thất mang lại có thể rất lớn, từ chiêu trò “xào nấu” sổ sách theo kiểu “hãy cho tôi 1 cây bút chì và 1 cục tẩy, tôi sẽ cho bạn lợi nhuận bạn muốn” như các thủ thuật liên quan tới doanh thu ảo và lợi nhuận ảo, dòng tiền cũng ảo, cho tới những chiêu trò khác nhằm “rút ruột” công ty.

Trong các dạng gian lận tài chính này, ban đầu công ty có hoạt động kinh doanh thật, nhưng vì nhiều lý do mà mục tiêu thay đổi bởi sự cám dỗ nên ban lãnh đạo doanh nghiệp đã hành động ngược với đạo đức kinh doanh.

Tăng vốn ảo có thể xếp vào dạng kinh điển vì nó không gắn với bản chất kinh tế thật nào và đa phần là để thu hút những nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin, hoặc tham lam đúng như “định luật bảo toàn tiền tệ”: Tiền không mất đi đâu mà chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác.

Nhà đầu tư huyền thoại Charlie Munger khuyên chúng ta nên nhìn thế giới với con mắt “động cơ”. Ông là một chuyên gia về tâm lý học hành vi và chưa bao giờ hết bất ngờ với các diễn biến tâm lý sinh ra những hành động phi lý trí của con người.

Ða phần chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập thực sự đi theo doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên tới khi lớn mạnh chia sẻ rằng, khi phải bán đi một phần “đứa con tinh thần”, họ cân nhắc rất kỹ lưỡng và tâm lý sẽ rất đắn đo, không hẳn về giá bán mà là tiền được đưa vào sử dụng với mục đích gì, để xây dựng một đế chế hay chỉ một vài món hời trong ngắn hạn, sau đó rút ra chia ngược lại cho các cổ đông.

Nhưng càng tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn, con người càng dễ đưa ra quyết định ngược với lý trí và trong nhiều trường hợp là tự lừa chính mình.

Trò chơi làm giá được ít, mất nhiều này không phải là cách để kiếm tiền bền vững, những đối tượng sau sẽ là người bị thiệt hại tài chính nhiều nhất: Nhà đầu tư nhỏ lẻ sở hữu cổ phần của công ty tăng vốn ảo; những người giao dịch cổ phiếu trên sàn; các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ, không thể bán giải chấp để thu hồi nợ.

Ðể thực hiện một thương vụ tăng vốn “ảo”, có hai cách chủ yếu sau.

Thứ nhất, làm giả giấy tờ góp vốn qua ngân hàng bằng cách đi “thuê tiền” và nhờ những người thân đứng tên trong danh sách cổ đông như Công ty cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) đã thực hiện, đồng thời làm giả giấy tờ giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty liên quan, sau đó đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai, thông qua các công ty liên quan tới ban lãnh đạo để mua cổ phần phát hành thêm bằng chính nguồn tiền đi vay của công ty dự định phát hành thêm, như trường hợp Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận vừa có kết luận điều tra của cơ quan công an và 4 bị can đã bị đề nghị truy tố.

Khoản tiền đi vào công ty thực chất là nhờ thế chấp sổ tiết kiệm của chính công ty, bản chất đó là một khoản tiền vay, sau đó sẽ chuyển ra bên ngoài công ty dưới hình thức thanh toán tiền cho các công ty F2, F3, hoặc bằng việc ký kết các hợp đồng góp vốn, liên doanh, liên kết, sau đó trích lập để xóa sổ những khoản này, cuối cùng quay trở lại trả nợ vay ngân hàng.

Cả hai cách tăng vốn ảo trên đều nhằm một mục đích chung là làm giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bước tiếp theo là lập một loạt tài khoản chứng khoán giao cho một số thành viên của “tổ lái” thực hiện việc tạo thanh khoản bằng cách giao dịch chéo; đưa các thông tin về dự án, kế hoạch kinh doanh, liên kết để có những báo cáo phân tích đánh giá khả quan nhằm thu hút nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hoặc không kiềm chế được lòng tham nhập cuộc.

Trong quy trình “tăng vốn ảo và làm giá cổ phiếu” có sự tham gia của nhiều tổ chức như ngân hàng, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, ủy ban chứng khoán, sở giao dịch và các cá nhân khác liên quan tới những tổ chức này.

Tuy nhiên, ngân hàng cho vay đúng quy trình, có tài sản đảm bảo là không vi phạm.

Tương tự, công ty kiểm toán chỉ kiểm tra về mặt hợp lệ của các chứng từ, ngoài ra không quan tâm tới bản chất kinh tế của các giao dịch; ủy ban chứng khoán chấp thuận cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và sở giao dịch chấp thuận cho doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch dựa trên các tiêu chuẩn là những con số được doanh nghiệp trình bày trong hồ sơ, tài liệu.

Chỉ có các đối tượng trực tiếp tham gia “tăng vốn ảo và làm giá cổ phiếu” là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhận diện dấu hiệu rủi ro

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói, nếu trong một trò chơi mà bạn không biết ai là kẻ ngốc, thì người đó nhiều khả năng chính là bạn.

Theo Khoản 2, Ðiều 211, Bộ luật Hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán, các cá nhân phạm tội có tổ chức, thu lợi trên 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 2 - 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.

So với nhiều thị trường chứng khoán khác, chế tài này vẫn chưa đủ mạnh tay, vì các cá nhân khi đã có động cơ trục lợi, họ sẽ tham khảo tất cả các quy định pháp lý để lách và dù trường hợp xấu nhất xảy ra thì tiền phạt vẫn nhẹ hơn tiền thu lợi bất chính.

Do đó, cần có những chế tài cụ thể và khắt khe hơn về mặt hình sự để tăng tính răn đe, triệt tiêu động cơ khi “còn trong trứng nước”. Trên thực tế, các thương vụ làm giá tại thị trường Việt Nam bị xử phạt “đếm trên đầu ngón tay” và chủ yếu là xử phạt hành chính.

Thời gian gần đây, khi thị trường chứng khoán trầm lắng, các dấu hiệu làm giá ít xảy ra hơn, vì làm giá quan trọng nhất là “thiên thời”, trong một thị trường giá lên mới kích thích được tâm lý hưng phấn và lòng tham của nhà đầu tư, quá trình đẩy giá hay “xả hàng” phân phối mới được diễn ra một cách trôi chảy.

Một thương vụ này từ bước chuẩn bị hồ sơ tăng vốn cho tới khi “rời tàu” để kết thúc quá trình làm giá có thể kéo dài vài năm, tùy theo điều kiện thị trường.

Chính vì có những “con sâu làm rầu nồi canh” mà nhiều nhà đầu tư hình thành cái nhìn không mấy thiện cảm về đầu tư chứng khoán, thậm chí có tâm lý sợ sệt, mất niềm tin khi nhắc tới kênh đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, một nhà đầu tư thực thụ, có chuyên môn sẽ biết “sợ đúng chỗ và biết rủi ro nằm ở đâu”. Ðể tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, nhà đầu tư trước hết cần nhận diện, sau đó nên tách mình ra khỏi các trường hợp sau.

Một là, các công ty đăng ký giao dịch, hoặc niêm yết trong khi được thành lập chỉ từ 1 - 3 năm trước, vì phát triển một công ty theo lẽ thường cần có thời gian dài.

Ðặc điểm chung của những công ty vội vã lên sàn sớm là tăng vốn rất nhanh, gấp 5 - 10 lần, chưa có bề dày lịch sử phát triển, sản phẩm, dịch vụ không rõ ràng…, rất dễ là đối tượng “in giấy lấy tiền”.

Hai là, các công ty liên tục chia thưởng cổ phiếu, phát hành cho cổ đông với giá ưu đãi để tăng vốn, các đối tượng tham gia có liên quan tới nhau. Sau đó, các tổ chức liên quan thường “bán chui” cổ phiếu, tức bán trước, công bố thông tin sau.

Ba là, các công ty lên sàn theo hình thức “niêm yết cửa sau”. Suy luận một cách logic, nếu “niêm yết cửa trước” đã không thể kiểm soát được thì việc không thông qua sự kiểm tra, các cơ quan pháp lý, tổ chức thứ ba độc lập thì đây có lẽ không phải là cuộc chơi của những nhà đầu tư nhỏ lẻ khi không hiểu bản chất phía sau những giao dịch này.

Bốn là, công ty mà ban lãnh đạo từng có động thái tác động lên giá cổ phiếu hoặc thường xuyên nói về giá cổ phiếu mà không phải là giá trị khác của công ty, vì rất có thể họ sẽ “ngựa quen đường cũ”.

Góc nhìn về động cơ giúp nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng hơn. Nói chung, nhận biết được rủi ro để nhà đầu tư tránh né, chứ hiếm khi trên một đoạn đường dài mà tránh được tất cả các ổ gà.

Những lần vấp ngã sẽ khiến nhà đầu tư trở nên dày dạn kinh nghiệm hơn, ngay cả Warren Buffett có sự nghiệp đầu tư lừng lẫy cả đời vừa qua cũng đã bị một công ty với mô hình Ponzi lừa đảo với số tiền hơn 300 triệu USD.

Tuy nhiên, khối tài sản của Warren Buffett đến từ một số ít công ty tuyệt vời mà ông đã nắm giữ trong dài hạn. Thất bại, nhưng biết đứng lên từ chính thất bại đó mới là con đường để tồn tại và đi tới thành công trong đầu tư nói riêng và cuộc sống nói chung.

George Soros cũng vậy, ông chia sẻ: “Tôi tồn tại được là nhờ nhận ra các sai lầm của mình”.

Theo Đầu tư chứng khoán

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tang-von-ao-va-nhung-bai-hoc-d61819.html

Bạn đang đọc bài viết Tăng vốn ảo và những bài học tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]