Cổ phiếu Digiworld liên tục phá đỉnh
Quỹ Evli Emerging Frontier Fund vừa thông báo đã hoàn tất mua vào 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,4% vốn CTCP Thế giới Số (Digiworld – mã DGW) qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn từ ngày 9/9/2020. Số tiền quỹ ngoại này phải chi ra ước tính vào khoảng 114 tỷ đồng.
Được biết, Evli Emerging Frontier Fund là quỹ ngoại đến từ Phần Lan, chuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những thị trường mới nổi, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhưng giá còn thấp.
Như vậy, sau thương vụ này, Digiworld sẽ có 4 cổ đông lớn gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân trong đó nhóm cổ đông liên quan đến Tổng Giám đốc Đoàn Hồng Việt vẫn nắm giữ phần lớn số cổ phiếu lưu hành của công ty.
Công ty TNHH Created Future hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 34,59% vốn trong khi cá nhân ông Việt cũng sở hữu 4,5% vốn. Bên cạnh đó vợ và anh trai ông Việt cũng lần lượt nắm giữ 3,37% và 4,24% vốn. Ngoài ra, Digiworld còn 2 cổ đông lớn khác là Probus Opportunities sở hữu 5,24% vốn và bà Đặng Kiện Phương, Chủ tịch HĐQT nắm 5,48% vốn.
Trên thị trường, từ vùng đáy hồi cuối tháng 3, cổ phiếu DGW liên tục trải qua nhiều sóng tăng mạnh qua đó leo lên mức đỉnh lịch sử kể từ khi lên sàn giữa năm 2015. Kết thúc ngày 14/9, cổ phiếu này dừng ở mức 53.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 3 lần trong chưa đến 5 tháng. Tạm tính tại mức thị giá này, vốn hóa Digiworld vào khoảng 2.280 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận 2020 tăng trưởng 24%
Hoạt động kinh doanh với việc mở rộng phân phối nhiều hãng, sản phẩm và nhiều nội dung khác được lãnh đạo CTCP Thế giới số (Digiworld - mã DGW) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 tổ chức chiều 29/6 tại TP.HCM.
Năm 2019, Digiworld ghi nhận doanh thu 8.488 tỷ đồng, tương đương với 119% kế hoạch đề ra, tăng trưởng 43% so với 2018. Lợi nhuận cả năm đạt 163 tỷ đồng, tương đương 119% kế hoạch năm, tăng 48% so với 2018.
Doanh thu của mảng máy tính xách tay tăng trưởng mạnh 24%, đạt 2.975 tỷ đồng; mảng điện thoại đạt 3.896 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch; mảng thiết bị văn phòng đạt 1.362 tỷ đồng, tăng trưởng 23%; hàng tiêu dùng đóng góp 255 tỷ đồng cho doanh thu, tăng trưởng 231% so với 2018 nhưng chỉ hoàn thành 73% kế hoạch năm.
Năm 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu ở mức 10.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 202 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng hơn 20% và 24% so với thực hiện của năm 2019. Tỷ lệ cổ tức năm 2019 dự kiến 10% bằng tiền mặt.
Đại hội trình ý kiến cổ đông việc từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Đoàn Anh Quân với lý do cá nhân. Theo đó, công ty bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập. Ứng viên là ông Nguyễn Duy Tùng, hiện là Giám đốc Tài chính kiêm Người phụ trách quản trị CTCP XNK Y tế Domesco (DMC).
Trong phần thảo luận, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan tới tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.
Kế hoạch kinh doanh 2020 được xây dựng trên những đối tác mà DGW đã ký kết năm 2019, không tính đối tác mới. Thông lệ công ty không tiết lộ doanh thu từ một hãng cụ thể là bao nhiêu. Có thể nói Apple là thương hiệu lớn, theo đó đóng góp tích cực vào kết quả chung của công ty, mở ra đa dạng sản phẩm mà công ty phân phối bên cạnh các nhãn hàng hiện nay.
Digiworld hợp tác chiến lược với Apple
Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld - mã DGW) công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với Apple, chính thức trở thành đơn vị được quyền phân phối tất cả các sản phẩm của Apple tại Việt Nam.
Sự hợp tác này đánh dấu bước tiến quan trọng giữa một tập đoàn công nghệ khổng lồ của thế giới và nhà phân phối ICT hàng đầu Việt Nam. Thông qua thế mạnh cốt lõi về chuỗi giá trị gia tăng toàn diện, linh hoạt, bao gồm 5 dịch vụ là phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cầu và dịch vụ hậu mãi của Digiworld, Apple kỳ vọng tiếp cận thêm nhiều phân khúc khách hàng và đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường nội địa với nhiều tiềm năng.
Được biết, Việt Nam là một trong những thị trường điện thoại thông minh lớn nhất Đông Nam Á. Theo báo cáo của GfK, Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng sản phẩm bán ra, vượt Thái Lan và Malaysia, chỉ đứng sau Indonesia. Thế nhưng, thị trường Apple chính hãng trên thị trường Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 60%. Chính vì vậy, việc mua các sản phẩm Apple ở thị trường trong nước vẫn còn nhiều rào cản do hàng xách tay từ các nước khác với rủi ro hàng dựng hoặc hàng đã qua sử dụng và không được bảo hành tại Việt Nam.
“Đây chính là cơ hội cho chúng tôi. Nếu công ty có cơ hội tấn công vào thị phần còn lại, vốn là của hàng Apple xách tay thì chắc chắn sẽ thành công”, DGW cho biết.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ