Đây cũng là nhóm cổ phiếu duy nhất duy trì được mức tăng trưởng 2 con số trong bối cảnh tất cả các nhóm ngành còn lại giảm điểm.
Giữa cơn bão virus Corona, cổ phiếu nhóm dược, y tế đang có mức tăng trưởng ấn tượng (ảnh minh họa) |
VN-Index trong phiên 31/1 tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối cùng của tháng 1. Giảm điểm mạnh trong cả phiên sáng và chiều, và về mốc 936 điểm (tương đương giảm 22,96 điểm) với thanh khoản khớp lệnh tăng mạnh. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía bên bán với 281 mã giảm điểm.
Tác động tiêu cực của dịch cúm 2019-nCoV vẫn hiện diện khi nhóm các cổ phiếu VJC, HVN, PVT,… ghi nhận mức giảm mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ mô phỏng theo VN30 trước khi sự thay đổi có hiệu lực cũng có tác động tiêu cực lên hai mã bị loại ra là DPM và GMD.
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), phiên 31/1 ghi nhận ngành dược tăng trưởng 6,2% trong khi tất cả các nhóm ngành còn lại đều giảm điểm.
Trong đó, thị trường ghi nhận có 7 mã cổ phiếu Dược tăng trần, gồm: DVN (14,4%), CDP (13,9%), DNM (9,9%), JVC (6,8%), IMP (6,8%) và DHT (9,9%).
Còn nếu tính trong 1 tuần giao dịch trở lại đây, nhóm Dược ghi dấu ấn mạnh với tổng tăng trưởng đạt hiệu suất trung bình là 12,2%.
Thống kê của BSC về diễn biến của các nhóm ngành cổ phiếu (nguồn BSC) |
Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, sự liên quan giữa cổ phiếu ngành dược ở Việt Nam và dịch bệnh Corona đang hoành hành ở Trung Quốc chưa có nhiều liên quan nhưng có lẽ, yếu tố tâm lý đã đẩy những cổ phiếu này tăng mạnh, đi ngược chiều thị trường.
BSC nhận định, "Ngành Dược là nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ, thích hợp cho đầu tư dài hạn, đặc biệt, trong giai đoạn thị trường biến động xấu”. Trong khi đó, Agriseco Research khuyến nghị, nhà đầu tư trong giai đoạn này nên mua vào cổ phiếu nhóm ngành dược (cùng với ngân hàng và thép).
Không chỉ ở Việt Nam, sàn chứng khoán Tokyo cũng ghi nhận trường hợp cổ phiếu Kawamoto đã bứt phá ngoạn mục từ mức 447 Yên/cổ phiếu vào cuối năm 2019 lên 3.095 Yên/cổ phiếu tại ngày 30/1, tương ứng mức tăng trưởng 592% chỉ sau 1 tháng, kể từ khi virus Corona lây truyền từ người sang người.
Được biết, Kawato được thành lập vào năm 1914. Công ty ngoài việc sản xuất mặt nạ phòng độc, khẩu trang y tế, còn sản xuất các thiết bị, vật tư y tế khác như miếng dán cá nhân, găng y tế, bơm tiêm, máy đo huyết áp…
Theo số liệu từ Bloomberg, doanh thu Kawamoto trong năm 2019 đạt 23,6 tỷ Yên và lợi nhuận đạt 70,53 triệu Yên. Với việc các doanh nghiệp tại Trung Quốc đang "cháy hàng" khẩu trang trong bối cảnh dịch Corona đang lây truyền phức tạp, không bất ngờ khi cổ phiếu của Kawamoto nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.
Theo Nhà đầu tư