Đánh giá về triển vọng thị trường tài chính năm 2020, các chuyên gia Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính nhận định, thị trường tài chính năm 2020 nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Trong đó, môi trường kinh doanh ổn định và Việt Nam đã và đang thực hiện tốt việc kiểm soát mục tiêu lạm phát, trong năm 2020, CPI tiếp tục giữ vững ở mức dưới 4%.
Mặc dù cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước đối tác nhập khẩu chính của hai nước này, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên, các hiệp định lớn mà Việt Nam vừa ký như EVFTA, CPTPP sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất nhập khẩu vào các nước lớn tại châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc như hiện nay.
TTCK được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. |
Trong bối cảnh trên, triển vọng thị trường tài chính Việt Nam được dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục được giữ ở mức 13-14%; lãi suất ngân hàng và trái phiếu chính phủ tiếp tục giữ ở mức thấp, thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định. Cùng với đó, chất lượng tài sản ngân hàng được cải thiện, đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong trường hợp kinh tế biến động.
Đối với thị trường ngoại hối, các chuyên gia cho rằng trong dài hạn, đồng VNĐ sẽ tăng giá nhẹ so với đồng USD vào cuối năm 2020 nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực từ tình hình sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước. Giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới nên sẽ có xu hướng tăng cùng, có thể đạt mức giá kỷ lục mới ở mức 46 triệu đồng/lượng.
TTCK sẽ có nhiều khởi sắc hơn vì tuy các doanh nghiệp BĐS có thể gặp khó khăn nhưng một số dự án có thể mang lại triển vọng cho TTCK là dự án BĐS xung quanh sân bay Long Thành, hay những doanh nghiệp BĐS có quỹ đất lớn và giao thông thuận tiện tại khu vực thu hút nhiều vốn FDI. Năm 2020 là năm cuối cùng để các ngân hàng thương mại phải niêm yết lên sàn và đạt chuẩn Basel II sẽ tạo cơ hội cho các dạng cổ phiếu này có triển vọng phát triển.
Năm 2020, thị trường trái phiếu chính phủ sẽ có khoảng 128 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn, cao hơn 11,6% so với 2019. Nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ để tăng tài sản có thanh khoản của các ngân hàng thương mại và xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ khiến lãi suất trái phiếu chính phủ có thể sẽ giảm tiếp trong 2020 nhưng mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều so với năm 2019.
Nhận định về thị trường, TS. Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch UBCKNN về thị trường chứng khoán cho rằng TTCK Việt Nam năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng về quy mô nhờ vào việc thúc đẩy các công ty đã cổ phần hóa, các ngân hàng lên niêm yết.
TS. Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch UBCKNN về thị trường chứng khoán. |
Cấu trúc thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ những chính sách đang triển khai, đặc biệt là việc triển khai luật chứng khoán mới và những cải cách cho việc nâng hạng thị trường. Các doanh nghiệp niêm yết vẫn tiếp tục hưởng lợi nhờ tốc độ tăng trưởng.
Ngoài ra, trong xu thế ngân hàng TW các nước nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hạn chế suy thoái, tiếp tục phát huy tác dụng và ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những động thái linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất ổn định và có tín hiệu giảm thì TTCK sẽ có cơ hội phát triển, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2020.
Theo TS. Vũ Bằng, năm 2020, Việt Nam vẫn phải nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức: cơ cấu nền kinh tế đã có sự cải thiện nhưng mức độ dịch chuyển còn chậm, năng xuất lao động tăng nhưng vẫn còn chậm cải thiện, phân bổ nguồn lực chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn vào nhiều bất động sản, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó tiếp cận vốn;
Giải ngân đầu tư công và tiến độ cổ phần hóa còn chậm, tốc độ tăng xuất khẩu có xu hướng chậm lại do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ -Trung, nợ công có xu hướng giảm nhưng áp lực trả nợ đang có chiều hướng gia tăng; Ngân hàng cũng đang phải xử lý vấn đề tín dụng bất động sản, xử lý nợ xấu, tăng vốn của các ngân hàng thương mại, sự lên giá của tỷ giá thực và xu hướng tăng mạnh của tín dụng cho vay tiêu dùng…
Bên cạnh những khó khăn, thách thức trên đây, TS. Vũ Bằng cũng nhận định Việt Nam có những thuận lợi trên cả 3 trụ cột cho tăng trưởng, gồm vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt vốn M&A, vốn góp cổ phần vẫn trong xu hướng gia tăng và dịch chuyển vào Việt Nam, vốn huy động qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng.
Việc chính phủ quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công từ quý VI năm 2019 và sang năm 2020 sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng; xuất khẩu tuy còn khó khăn đối với những nhóm hàng, trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng không tốt từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thì cũng có những nhóm hàng thuận lợi, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến,
Ngoài ra, các hiệp định thương mại vừa ký kết được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ. Hơn nữa, sự mở rộng nhanh chóng tầng lớp trung lưu (dự báo tăng từ 12 triệu người năm 2011 lên 33 triệu người vào năm 2020) sẽ là động lực gia tăng sức cầu trong nước, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng.
Theo MTDT