Theo công bố của Saibu Gas Co. Ltd, nhà đầu tư này vừa mua thành công gần 18,9 triệu cổ phiếu PGD của Công ty CP Phân phối khí áp thấp dầu khí Việt Nam, tương đương 21% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, sau thông báo giao dịch này thành công, cổ phiếu PGD liên tiếp có các phiên đo sàn, khiến nhiều nhà đầu tư nhận “trái đắng”.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu PGD ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận đúng bằng khối lượng Saibu Gas công bố đã mua vào. Như vậy, khả năng Saibu Gas đã thỏa thuận cổ phiếu PGD với mức giá 54.000 đồng/cổ phiếu. Với việc mua vào 18,9 triệu cổ phiếu, nhà đầu tư này đã chi khoảng 1.020 tỷ đồng để trở thành cổ đông chính thức của PGD.
Theo dữ liệu từ sàn chứng khoán, đầu tháng 12/2019 cổ phiếu PGD đã tăng trần liên tục trong nhiều phiên giao dịch. Chỉ trong vòng nửa tháng 12, giá cổ phiếu PGD đã tăng từ mức 33.500 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh 61.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi Saibu Gas mua vào với khối lượng lớn cổ phiếu PGD, giá cổ phiếu này đã liên tục sụt giảm.
Tại phiên giao dịch ngày đầu tuần trước (ngày 14/1), cổ phiếu PGD ở mức 43.450 đồng/cổ phiếu. Những phiên sau đó trong tuần, cổ phiếu này giảm sản liên tiếp. Đến phiên cuối tuần ngày 17/1, cổ phiếu PGD chỉ còn ở mức 35.150 đồng/cổ phiếu. Và tại phiên giao dịch sáng ngày 20/1, giá cổ phiếu PGD đã nhỉnh lên một chút khi ở mức 36.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu PGD thời gian gần đây |
Tính ở mức giá này, Saibu Gas đang lỗ hơn 30% chỉ sau 6 phiên mua cổ phiếu PGD, tương đương số tiền hơn 300 tỷ đồng. Điều đó khiến rất nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn liệu Ban Lãnh đạo PGD đã làm giá để bán cổ phiếu cho đối ngoại?.
Hiện, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đu bám cổ phiếu này dẫn đến đầu năm 2020 phải ngậm ngùi ôm lỗ… Trước nghi vấn này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có chế tài chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng làm giá cổ phiếu để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Được biết, PGD tiền thân là Xí nghiệp kinh doanh khí thấp áp trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS). PGD được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 330 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, đến nay vốn điều lệ của PGD đạt gần 890 tỷ đồng. Trong đó PV GAS sở hữu 50,5% vốn điều lệ.
Theo báo cáo quý 4/2019 của PGD có doanh thu đạt gần 2.021 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018. Lãi gộp trong kỳ của PGD đạt hơn 188 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2018. Nhờ khoản chi phí bán hàng giảm 9% xuống còn gần 99 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp chênh lệch không đáng kể so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận sau thuế còn hơn 51 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 30/12/2019, HĐQT của CTCP Phân phối khí áp thấp Dầu khí Việt Nam (HOSE: PGD) thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019. Theo đó, Công ty giảm chỉ tiêu doanh thu 371 tỷ đồng, về còn 7.801 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận không đổi so với trước, lãi sau thuế đặt chỉ tiêu đạt 189.5 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu tháng đầu năm 2019, PGD mang về 5,962 tỷ đồng tổng doanh thu, suýt soát bằng cùng kỳ năm trước và 182 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Dựa trên các chỉ tiêu đã được điều chỉnh thì PGD đã thực hiện được 76% kế hoạch doanh thu và 96% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tính chung cả năm 2019, PGD đạt doanh thu 7.982 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2018. Theo đó, PGD đã vượt 2% kế hoạch doanh thu mới điều chỉnh. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 234 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2018.
Tính đến cuối năm 2019, PGD còn 1.446 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 294 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Tổng tài sản cuối năm đạt 2.961 tỷ đồng, tăng 317 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Theo đó, nợ phải trả của PGD tăng 324 tỷ đồng lên mức 1.596 tỷ đồng.
Được biết, Saibu Gas là một công ty cung cấp khí của Nhật Bản chuyên cung cấp khí đốt cho khu vực Bắc Kyushu, Fukuoka, Saga, Nagasaki và Kumamoto. Tính tới cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Saibu Gas đạt hơn 370 tỷ Yên.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ