Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) bay hơi 424 tỷ đồng trong năm qua khi cổ phiếu CTD giảm 68% từ 160.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 51.300 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến giá trị tài sản tính theo cổ phiếu niêm yết của ông chỉ còn 200 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh đi xuống, cổ phiếu CTD sụt giảm mạnh
Cổ phiếu CTD liên tục sụt giảm. Kết thúc ngày giao dịch 19/11, cổ phiếu CTD của Coteccons chốt tại mức giá 71.000 đồng/cp, tăng gần 3% so với giá tham chiếu và 0,42% so với phiên giao dịch liền trước.
Tuy nhiên, nếu so với đầu năm (160.000 đồng/cp), thị giá của cổ phiếu CTD đã “bốc hơi” gần 56%. Còn tính từ mức đỉnh cao nhất lập được hồi cuối năm 2017, cổ phiếu xây dựng từng một thời được săn đón đã giảm đến hơn 68%, tương đương gần 11.500 tỷ đồng giá trị thị trường tan như bọt bóng.
Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) |
Tính trong tháng 10/2019, cổ phiếu CTD đã giảm 12,8% từ mức giá đóng cửa phiên 30/9 tại 95.000 đồng/cp. Sau đó tiếp tục tụt giảm xuống mức 51.300 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu CTD tụt giảm và liên tục xác lập đáy mới bất chấp doanh nghiệp này gần đây trả cổ tức bằng tiền mặt 30% và mua vào cổ phiếu quỹ.
Hôm nay ngày 7/1/20120, cổ phiếu CTD giảm xuống ở mức 51.900 đồng/cp.
Về tình hình kinh doanh quý III/2019 của CTD, doanh thu đạt 6.225 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hơn 22 tỷ đồng, giảm tới 64,36%.
Giải trình về kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý III/2019, Coteccons cho biết, lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến, làm tăng chi phí cố định. Hơn nữa, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp.
Doanh thu hoạt động tài chính năm qua của CTD đạt 50,68 tỷ đồng, giảm 35,91% so với cùng kỳ do doanh thu được chủ đầu tư xác nhận chậm, dòng tiền thu từ khách hàng chậm, công ty phải sử dụng nguồn tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ/nhà cung cấp/đội thu công theo điều khoản trong hợp đồng đã ký kết.
Đồng thời, trong kỳ Công ty có góp vốn điều lệ vào Công ty Covestcons nên làm giảm nguồn tiền gửi tiết kiệm, ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động tài chính quý III/2019.
Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản Công ty hơn 14.987 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu kỳ, bao gồm 13.393 tỷ tài sản ngắn hạn và 1.594 tỷ tài sản dài hạn. Nợ phải trả hơn 6.761 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 6.752 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu hơn 8.226 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 796 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với thời điểm đầu năm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, CTD ghi nhận 16.262 tỷ doanh thu, giảm 21,58% so với cùng kỳ và hoàn thành 60,23% kế hoạch cả năm (27.000 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế hơn 604 tỷ đồng, giảm tới hơn 59% so với cùng kỳ và hoàn thành 46,46% kế hoạch năm (1.300 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 477,63 tỷ đồng, giảm gần 60%.
Nhiều trục trặc trong nội bộ doanh nghiệp
Hoạt động kinh doanh của Coteccons đi xuống trong bối cảnh có nhiều trục trặc trong nội bộ doanh nghiệp, cạnh tranh trong ngành xây dựng tăng mạnh, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, các dự án mới khởi công ít.
Trong ĐHĐCĐ 2019 của Coteccons, các cổ đông đã không thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP và cũng bỏ qua tờ trình sáp nhập Ricons sau khi cổ đông lớn nhất Kusto phản đối sáp nhập Ricons vào Coteccons ngay trước khi ĐHĐCĐ diễn ra.
Theo Coteccons, việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và đặc biệt lớn, sau khi đã sở hữu 100% tại Cty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons - doanh nghiệp xây dựng được xếp thứ 3 Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay trước thềm ĐHCĐ, cổ đông lớn Kustocem - thành viên của Kusto Group - lại không ủng hộ việc phát hành cổ phiếu để sáp nhập Ricons vì không thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng.
Cùng với đó, quỹ đầu tư Hàn Quốc Korean Investment Management Co., Ltd bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ mức 10,31% về 2,05% và chính thức không còn là cổ đông lớn.
Hoạt động bán vốn của quỹ đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu Coteccons liên tục tụt giảm trong khoảng 1 năm rưỡi qua, từ đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại hơn 230 ngàn đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống mức 99.000 đồng/cp như hiện tại khiến vốn hóa DN bốc hơi hơn 11 ngàn tỷ đồng (500 triệu USD).
Cùng với sự thoái vốn của quỹ đầu tư ngoại, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu tình trạng này kéo dài, vị trí số 1 của CTD sẽ khó có thể giữ vững.
Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương (1959) lập ra và liên tục phát triển mạnh, doanh thu từ 4,5 ngàn tỷ đồng năm 2012 lên mức 27 ngàn tỷ đồng vào 2017. Lợi nhuận tăng mạnh từ mức 300 tỷ đồng lên 2,1 ngàn tỷ đồng.
Ông Dương tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội năm 1977 và tốt nghiệp đại học xây dựng Kiev (Ukaine) chuyên ngành kiến trúc vào năm 1984.
Nhiều cổ phiếu xây dựng khác cũng gặp khó khăn trong thời gian gần đây. Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) của chủ tịch Lê Viết Hải cũng vừa rớt về đáy 3 năm và khiến ông Hải cũng như một số cổ đông nội bộ đăng ký mua vào.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ