Cổ phiếu ngân hàng bứt phá
Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra khá tích cực với sắc xanh hiện diện ngay từ những phút mở cửa. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt bộ 3 CTG, VCB, BID bứt phá mạnh và thậm chí có lúc CTG tăng kịch trần là động lực chính dẫn dắt đà tăng của thị trường. Thông tin CTG, VCB, BID có thể sắp được chia cổ tức bằng cổ phiếu là nguyên nhân giúp nhóm cổ phiếu nhày bứt phá.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, các cổ phiếu BVH, FPT, HPG, VRE, VHM, CTD…cũng tăng mạnh giúp sắc xanh thị trường được củng cố.
PHR sau thông tin KQKD quý 3 công ty mẹ sụt giảm so với cùng kỳ đã bị bán mạnh và có lúc giảm gần 2.000 đồng. VTP sau khi diễn ra buổi analyst meeting cuối tuần trước với thông tin Viettel sẽ giảm sở hữu khoảng 6% đã giảm nhẹ gần 1.000 đồng trong sáng nay.
Tại thời điểm 10h5’, chỉ số VN-Index tăng 7 điểm (0,76%) lên 931 điểm; HNX-Index tăng 0,36% lên 137,4 điểm và UPCom-Index tăng 0,26% lên 64,18 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 2.600 tỷ đồng.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.418 tài khoản, tăng hơn 3.000 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 9 là 31.340 và 78 tài khoản mở mới từ các tổ chức.
Lĩnh vực sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực
Theo báo cáo chuyên đề: "Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý IV/2020", Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng đi lên zig zag – đan xen liên tục giữa các nhịp tăng giá nhẹ và tích lũy – như hiện tại, VN-Index sẽ khó có khả năng giảm sâu trong quý cuối cùng của năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 tiếp tục được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi tương đối khả quản.
Thanh khoản được VCBS kỳ vọng sẽ tiếp tục có sự cải thiện cả về giá trị và khối lượng giao dịch so với quý trước nhờ sự gia tăng của dòng tiền. Trong đó, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong những phiên cuối tháng 9 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu thế này trong quý IV.
Như thực tế đã diễn ra trong năm 2020, nền kinh tế thế giới buộc phải đối mặt với yêu cầu “thay đổi” để thích nghi và tồn tại với bối cảnh mới khi mà dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã phân hóa khá rõ rệt sau 9 tháng và VCBS tiếp tục kỳ vọng một số lĩnh vực sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực hơn so với phần còn lại trên thị trường.
Trong đó, những doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tiêu biểu là nhóm cảng biển – logistics.
Bên cạnh đó là nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản triển khai dự án xung quanh các đô thị loại 1 với điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp này phải sở hữu lợi thế về nguồn lực tài chính dồi dào với tầm nhìn phát triển dự án bài bản, dài hạn.
Cuối cùng là một số doanh nghiệp với “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới,…
Nhìn xa hơn, VCBS cho rằng cơ hội đầu tư trong năm 2021 sẽ có xu hướng quay trở về những ngành sản xuất thiết yếu (“back to basics”) và những ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách điều hành nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ.
Cụ thể, quá trình đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng từ nước ngoài , quá trình công nghiệp hóa (và số hóa) của nền kinh tế nội địa và quá trình đô thị hóa trong tương lai đều sẽ yêu cầu những yếu tố đầu vào thiết yếu như: Điện, nông nghiệp, vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, …).
Cùng với đó, với mục tiêu đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19, các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam sẽ là đem đến triển vọng tăng trưởng tích cực cho nhóm doanh nghiệp xây dựng chuyên dụng, bên cạnh tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế nói chung.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ