Thông tin trên Vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùng, Công ty cổ phần GAB (Mã: GAB) vừa công bố thông tin cho biết, ngày 12/9 vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty đã họp và quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của bà Trần Thị Thúy, đồng thời bầu Ủy viên HĐQT Trần Thế Anh làm Chủ tịch thay thế.
Ông Trần Thế Anh hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC – đơn vị tham gia sáng lập GAB.
Ông Trần Thế Anh từng có thời gian giữ chức Ủy viên HĐQT Công ty CP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (Mã: KLF). Tại đại hội cổ đông của KLF tổ chức ngày 14/6, công ty đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS và ông Trần Thế Anh cũng từ nhiệm chức danh Ủy viên HĐQT.
Công ty Cổ phần GAB tiền thân là công ty cổ phần Gạch Tuynel FLC - Đò lèn Hậu Lộc, được thành lập ngày 20/5/2016. Trụ sở hiện nay đặt tại thôn Châu Tử, xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Vốn điều lệ ban đầu là 50 tỉ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn FLC góp 80% (tương đương 40 tỉ đồng), hai cá nhân là bà Trần Thị Thúy và ông Lê Trung Kiên mỗi người góp 10%.
Ông Trần Thế Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần GAB (Ảnh: Vneconomy) |
Đến ngày 25/10/2016, Gạch Tuynel FLC tăng vốn lên 60 tỉ đồng, trong đó, Tập đoàn FLC chỉ còn góp 11,4 tỉ đồng (tương đương 19%), ông Kiên và bà Thúy đóng góp lần lượt 25% và 26%.
Đến cuối năm 2017, ông Lê Trung Kiên đã thoái hết vốn tại công ty. Sau đó, công ty tăng vốn lên 92 tỉ đồng và đổi tên thành Công ty CP Vật liệu Xây dựng FLC.
Tháng 10/2018, công ty tăng vốn lên 138 tỉ đồng, trong đó, Tập đoàn FLC góp 12,4 tỉ đồng (tương đương 9%), bà Trần Thị Thúy góp 50,7 tỉ đồng (tương đương 36,7%).
Trong cơ cấu cổ đông lớn của công ty ngày 31/12/2018 có ông Trần Thế Anh góp vốn 10 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ sở hữu 7,25%.
Ngày 7/5/2019, công ty đổi tên từ Công ty CP Vật liệu Xây dựng FLC thành Công ty Cổ phần GAB với tên nước ngoài là Global Asset Business JSC.
Chốt phiên hôm 17/9, cổ phiếu GAB giảm 5,13% xuống 11.100 đồng với gần 220.000 đơn vị được khớp. |
Theo Đầu tư Chứng khoán, cổ phiếu GAB chính thức đăng ký niêm yết và giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) từ tháng 7/2019. Cũng như những thành viên khác của gia đình FLC, cổ phiếu GAB đã có những phiên chào sàn đột biến với mức tăng kịch trần cùng giao dịch sôi động. Tuy nhiên, sóng tăng tại GAB không được kéo dài lâu.
Cụ thể, chào sàn với mức giá tham chiếu 12.000 đồng, cổ phiếu GAB có 3 phiên tăng liên tiếp thiết lập mức đỉnh 16.450 đồng. Từ mức đỉnh này, cổ phiếu GAB có chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 6 phiên giảm sàn về 10.250 đồng.
Sau 1 phiên hồi phục, cổ phiếu này tiếp tục có các phiên giảm sàn liên tiếp xuống sát giá 8.000 đồng trước khi hồi trở lại trên mức tham chiếu và hiện dao động quanh mức 12.000 đồng.
Chốt phiên hôm nay 17/9, cổ phiếu GAB giảm 5,13% xuống 11.100 đồng với gần 220.000 đơn vị được khớp.
Còn theo thông tin trên Kinh tế Môi trường đăng tải hồi tháng 7/2019, năm 2019, GAB đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu 150 tỉ đồng trong năm nay, lợi nhuận dự kiến là 14 tỉ đồng, tức tăng gấp đôi so với năm 2018. Liệu mức lợi nhuận ít ỏi này có đủ để đảm bảo trích lập các quỹ đầu tư, tạo nguồn bổ sung vốn kinh doanh, hay đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông không?
Một băn khoăn của nhà đầu tư ở thời điểm này là giá cổ phiếu GAB sẽ diễn biến theo kịch bản nào khi kết quả kinh doanh đang “khập khiễng” so với quy mô vốn điều lệ GAB và mức giá giao dịch trên sàn chứng khoán?