Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Lao động học việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

DTVN 14:11 05/11/2019

Khi ký hợp đồng học nghề thời hạn 6 tháng với một người lao động thì đơn vị có cần phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người học việc đó không? Quy định đối với hợp đồng học việc như thế nào

Độc giả hỏi:

Khi ký hợp đồng học nghề thời hạn 6 tháng với một người lao động thì đơn vị có cần phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người học việc đó không? Quy định đối với hợp đồng học việc như thế nào?

Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo điều 61, điều 62 Bộ luật Lao động quy định, việc học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề thực hiện như sau:

Người sử dụng lao động khi tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động, hai bên đều phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản.

Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.

Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

Nội dung của hợp đồng đào tạo nghề

Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Nghề đào tạo;

- Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

- Chi phí đào tạo;

- Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

- Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

- Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng BHXH, BHYT cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Về BHXH bắt buộc

Theo Điều 4 quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017) thì, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1/1/2018).

Không thấy có quy định thu BHXH bắt buộc với người học nghề, học việc theo hợp đồng đào tạo nghề (hợp đồng học việc, học nghề, tập nghề).

Căn cứ quy định nêu trên, do nhu cầu lao động, công ty được phép tuyển người chưa có tay nghề vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình. Nội dung chủ yếu của hợp đồng đào tạo nghề bao gồm thời hạn đào tạo; thoả thuận về mức lương nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo.

Luật BHXH không có quy định về BHXH bắt buộc đối với người học nghề theo hợp đồng đào tạo nghề. Tuy nhiên, đối với người học nghề theo hợp đồng đào tạo nghề công ty có thể hỗ trợ tiền đóng BHXH, BHYT tự nguyện.

Sau thời gian học nghề, khi người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên với người sử dụng lao động, thì phải tham gia BHXH bắt buộc, công ty và người lao động phải đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật.

Pháp luật nghiêm cấm việc giả cách, đánh tráo đối tượng đáng lẽ phải giao kết hợp đồng lao động sang hình thức giao kết hợp đồng đào tạo nghề (hợp đồng học việc, học nghề, tập nghề) nhằm mục đích bóc lột, không trả lương, hoặc trả lương thấp, trốn tránh trách nhiệm tham gia, đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

Hỏi: Người lao động làm việc với thời gian làm 4 tiếng/ngày, 26 ngày/tháng; lương mỗi tháng chỉ 2 triệu đồng. Mức lương này thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trường hợp này có phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) không? Nếu có thì vì sao phải đóng?

Trả lời: Theo khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Trong khi đó, theo Luật BHXH, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, khi doanh nghiệp và người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia BHXH. Mức lương đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Người lao động không thường xuyên có thời gian làm việc không đủ 14 ngày/tháng (lao công, tạp vụ...), người lao động làm việc bán thời gian (cộng tác viên bán hàng), người lao động làm việc theo hợp đồng khoán việc (lập trình viên) nhận thù lao theo sản phẩm có phải là đối tượng tham gia BHYT, BHXH bắt buộc không?

Trả lời: Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014 quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT.

Căn cứ Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ 1-1-2018).

Trong khi đó, theo Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Như vậy, đối với đơn vị thực hiện chế độ làm việc dưới 26 ngày trong tháng, nếu tổng số ngày làm việc thực tế trong tháng dưới 1/2 tổng số ngày công thì người lao động không phải đóng BHXH và thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012

Theo TBCK

Bạn đang đọc bài viết Lao động học việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không? tại chuyên mục Bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo hiểm