UBND TP.HCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố rà soát các khu công nghiệp, khu chế xuất để tìm ra giải pháp tạo quỹ đất thu hút đầu tư.
Các Bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ thành phố xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (381 ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trước đó, TP.HCM có đề nghị Chính phủ cho phép xóa quy hoạch 3 dự án khu công nghiệp tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Ảnh minh họa |
Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thống nhất với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP (HEPZA) về hướng xử lý đối với các trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đúng mục tiêu đăng ký đầu tư, ngành nghề đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
HEPZA cần báo cáo về quỹ đất sạch có thể thu hút đầu tư ngay, đặc biệt là các quỹ đất sạch liền kề với các khu đất mà các chủ đầu tư đang hoạt động để khuyến khích mở rộng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất…
Trước đó, TP.HCM có đề nghị Chính phủ cho phép xóa quy hoạch 3 dự án khu công nghiệp (KCN) gồm KCN Bàu Đưng (200 ha), KCN Phước Hiệp (175 ha) đều nằm tại huyện Củ Chi và KCN Xuân Thới Thượng (300 ha) ở huyện Hóc Môn. Những dự án này thuộc diện quy hoạch “treo” do vị trí địa lý không thuận lợi, không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng; kéo dài nhiều năm cũng làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân.
TP.HCM hiện có khoảng 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, với diện tích cho thuê đạt gần 1.720 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 68%. Giá chào thuê khoảng 300 USD/m2, cao nhất cả nước và cao hơn các khu vực lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo quy hoạch đến năm 2020, TP.HCM có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 5.822 ha.
Vũ Đậu (TH)/SHTT