Sốt đất sau thông tin 2 huyện sẽ lên quận
Tại huyện Thủy Nguyên, từ cuối năm 2020, giao dịch nhà đất tại đây trở nên sôi động, các công ty bất động sản mọc lên như nấm. Theo khảo sát, từ cuối năm 2020, giá đất tại đây tăng khá mạnh.
Tại xã Thủy Đường, đầu năm 2020, giá đất chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2 thì đến nay đã lên tới 10 - 20 triệu đồng/m2.
Giá đất tại các xã Lưu Kiếm, Quảng Thanh, Lưu Kỳ, Minh Tân... cũng tăng 30%, lên ngưỡng 25 - 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại khu tái định cư Bắc Sông Cấm, giá đất tăng từ 35 - 40 triệu đồng/m2, lên 55 - 70 triệu đồng/m2.
Giá đất mặt đường 359 thuộc các xã Thủy Sơn, Thủy Đèo, An Lư tăng từ 20 - 40 triệu đồng/m2 lên 40 - 60 triệu đồng/m2. Cá biệt, các lô đất nằm gần với UBND thị trấn Núi Đèo đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2.
Không chỉ đất thổ cư, đất đấu giá cũng tăng khá mạnh. Một số khu đất đấu giá ở Thủy Đường, giáp Thủy Sơn, trước đây chỉ 7 - 10 triệu đồng/m2, giờ cũng đã lên từ 20 - 40 triệu đồng/m2.
Anh Đinh Xuân Quỳnh – chuyên viên môi giới bất động sản thuộc Văn phòng nhà đất An Phú chia sẻ: Khoảng gần một năm nay, tại huyện Thủy Nguyên có rất nhiều người từ các nơi khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương... đến tìm hiểu và đầu tư đất. Bên cạnh việc khảo sát các mảnh đất thổ cư của người dân, họ cũng quan tâm tới đất nền tại các dự án Cửa Trại, Khau Da, Bắc Sông Cấm, Gò Gai và Quang Minh. Vì thế, giá đất tại khu tái định cư Bắc Sông Cấm tăng mạnh từ 35-40 triệu đồng/m2 lên 55 - 70 triệu đồng/m2, cá biệt có lô vị trí và diện tích đẹp tăng đến 110 triệu đồng/m2.
Tương tự huyện Thủy Nguyên, tại huyện An Dương, giá đất cũng tăng khoảng 30 - 40%. Đơn cử, một khu đất tại khu vực đầu đường Máng (tuyến 1) trước đây có giá 25 - 30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 40 - 45 triệu đồng/m2.
Theo các môi giới, giá đất tại Thuỷ Nguyên và An Dương tăng nóng là bởi thông tin Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc Thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bất động sản Thủy Nguyên có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Quỹ đất tại Thủy Nguyên còn tương đối thoải mái, giá trị vẫn ở mức chấp nhận được.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông tại Thủy Nguyên đa dạng và tương đối hoàn thiện, vị trí lại nằm giáp với tỉnh Quảng Ninh nên nhà đầu tư khắp miền Bắc đang đổ dồn về đây tìm kiếm cơ hội.
Dù vậy, cũng giống như đề án xây dựng thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM khiến giá đất tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức "sốt ảo", giá đất tại Thủy Nguyên cũng đang có nguy cơ tăng "ảo".
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, giá đất tăng vọt ở Thủy Nguyên là hiện tượng chung của thị trường khi có các thông tin về xây dựng hạ tầng hoặc các đề án mới nhằm phát triển thành phố.
Phó Chủ tịch VARS đánh giá, khi lãnh đạo Hải Phòng quyết định chủ trương xây dựng thành phố Thủy Nguyên, chắc chắn khu vực này đã có quy hoạch để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, ở thời điểm này, quy hoạch vẫn còn chưa rõ ràng. Do đó, nhiều người đầu tư vào đây theo dạng tin đồn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Cần kiểm soát giá đất
Nhìn từ thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, TP Hải Phòng như bừng tỉnh bởi cơn sốt đất. Khi các dự án, khu đô thị lớn được đầu tư vào Hải Phòng thì lập tức giá đất tại những khu vực đó biến động, “nóng” trở lại. Giá đất tại các khu vực như: Thuỷ Nguyên, Dương Kinh, Lê Chân… vẫn đang ở ngưỡng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bởi trên thực tế đất trong vùng lõi trung tâm không hấp dẫn vì hầu hết ở trong ngõ khá chật chội. Trong khi đó, tại những khu đô thị mới quy hoạch tốt, thoáng đãng, đường sá đi lại khá thuận tiện đã tạo sức hút rất lớn với người tiêu dùng.
Và thậm chí cơn “sốt” đất cũng xuất phát từ những quy hoạch còn đang nằm trên giấy. Đơn cử, thời điểm khi TP Hải Phòng mới chỉ có thông tin chấp nhận chủ trương xây dựng TP Thủy Nguyên, trực thuộc TP Hải Phòng, nhiều khách hàng đã đến Thuỷ Nguyên để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Giá đất tại đây đã tăng nhảy vọt, nhiều nơi tăng gấp 2 - 3 lần so với hồi đầu năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, giá đất ở các xã như Dương Quan, Thuỷ Đường, Thuỷ Triều, khu vực mặt đường tại trục đường 359 hay khu Cửa Trại (xã Tân Dương) đã tăng từ 20-40 triệu/m2 lên 50-60 triệu/m2. Đặc biệt các lô đất nằm biệt lập tại thị trấn Núi Đèo đã vượt ngưỡng 100 -120 triệu/m2. Đất tại khu vực tái định cư Bắc sông Cấm cũng tăng từ 35-40 triệu/m2 lên đến 50-70 triệu đồng/m2.
Tại toạ đàm “Bất động sản Hải Phòng 2020 - Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng tổ chức hồi tháng 7/2020, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng đã nhận định, tuy phát triển muộn hơn so với các đô thị lớn khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, song thị trường bất động sản Hải Phòng không hề bị tụt lại phía sau bởi tốc độ phát triển nhanh và có những yếu tố đột phá. Trong 5 năm gần đây kể từ năm 2015, tổng mức đầu tư của các dự án bất động sản trên địa bàn tăng trên 10 lần so với những năm trước 2015, tỷ lệ tăng trưởng đạt bình quân hàng năm trên 25% .
Với những lợi thế về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư như hiện nay thì chắc chắn thị trường bất động sản Hải Phòng sẽ chưa thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, để kiểm soát giá đất, tránh tình trạng cơn sốt đất “ảo”, theo ông Thành, chính quyền các địa phương cần phải kiểm soát giá đất bằng cách công bố chi tiết về kế hoạch phát triển; cung cấp cho người dân về thông tin quy hoạch của quỹ đất…
Video: (Nguồn: Invest TV)