Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Biển Ngọc – Hồ Tràm, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm và CTCP Du lịch Hải Vương là các chủ đầu tư của 3 dự án khu nghỉ mát cao cấp, nằm gần kề nhau tại khu vực ven biển Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).
Trong đó, Công ty TNHH Biển Ngọc – Hồ Tràm (Emerald Beach Ho Tram) là chủ đầu tư dự án Melia Hồ Tràm, quy mô 16,9ha, gồm 156 căn condotel và 82 căn biệt thự. Sau 3 năm liên tiếp chịu lỗ, năm 2019, Emerald Beach Ho Tram ghi nhận doanh thu đạt 1.648,2 tỉ đồng, báo lãi 129 tỉ đồng.
Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm là chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strip quy mô 164ha, tổng vốn đầu tư 4,23 tỉ USD. Công ty này cũng báo lỗ nhiều năm, số lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2019 lên tới 8.780 tỉ đồng. Dù gánh khoản lỗ lớn, song, tính đến ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của công ty này vẫn ở mức dương, đạt 3.791 tỉ đồng.
Dự án Sunctuary Hồ Tràm xen giữa các dự án Melia Hồ Tràm và Hồ Tràm Strip |
Cũng chịu cảnh thua lỗ để phát triển dự án, song so với hai ‘người hàng xóm’, CTCP Du lịch Hải Vương (Hải Vương Tourism JSC) có phần kém sắc hơn, khi lỗ đến âm vốn chủ sở hữu. Mà không chỉ 1 năm, dữ liệu của VietTimes cho thấy, Hải Vương JSC đã âm vốn chủ sở hữu trong nhiều năm liền, thậm chí tình trạng có thể đã kéo dài hàng thập kỷ.
Hải Vương Tourism JSC thành lập từ tháng 8/2006, là chủ đầu tư dự án Sanctuary Hồ Tràm. Tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển này có quy mô 16,6ha, được phát triển 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 là khu Sanctuary Hồ Tràm với 28 biệt thự được khởi công từ năm 2008, đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Giai đoạn 2 là khu Sanctuary Villas với 44 biệt thự, được khởi công từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư lên tới 65 triệu USD (khoảng 1.400 tỉ đồng). Giai đoạn 3 là khu resort tiêu chuẩn 5 sao.
Là chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng có vốn đầu tư cả nghìn tỉ đồng, nhưng trong suốt giai đoạn 2014 – 2019, quy mô vốn điều lệ của Hải Vương Tourism JSC chỉ nhỉnh hơn 27,1 tỉ đồng. Tỉ lệ sử dụng đòn bẩy, do vậy, luôn ở mức cao, khiến Hải Vương JSC thường xuyên chịu gánh nặng chi phí lãi vay.
Biên lợi nhuận gộp khá mỏng, cùng gánh nặng chi phí khiến Hải Vương Tourism JSC thường xuyên báo lỗ giai đoạn 2014 – 2019.
Cụ thể, công ty này báo lỗ năm 2014 là 17,7 tỉ đồng, năm 2015 là 16,2 tỉ đồng, năm 2016 là 22,1 tỉ đồng, năm 2018 là 23,8 tỉ đồng. Xen giữa là năm 2017 với khoản lãi mỏng 0,9 tỉ đồng.
Các khoản lỗ lớn khiến tình trạng âm vốn chủ sở hữu của Hải Vương Tourism JSC đạt đỉnh vào cuối năm 2018, âm 246,8 tỉ đồng. Thực trạng thua lỗ của Hải Vương Tourism JSC đã diễn ra từ nhiều năm trước, bởi ngay từ cuối năm 2014, công ty này đã âm vốn chủ sở hữu tới 161,6 tỉ đồng, gấp nhiều lần quy mô vốn điều lệ.
Năm 2019, kết quả kinh doanh của Hải Vương Tourism JSC có phần khởi sắc, khi công ty này báo lãi 136,7 tỉ đồng. Khoản lãi khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn âm 110,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó là kết quả mà Hải Vương Tourism JSC đạt được trước khi ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Giữa muôn vàn khó khăn, trung tuần tháng 1/2020, thượng tầng của Hải Vương Tourism JSC có sự thay đổi lớn.
Đó là việc ông Horst Joachim Franz Geicke (SN 1955) thay thế ông John Leslie Manning (SN 1951) làm Chủ tịch HĐQT Hải Vương Tourism JSC. Ở nhiều sự kiện sau đó, ông Horst Joachim Franz Geicke xuất hiện với vai trò Chủ tịch, Tổng Giám đốc, nhà đầu tư của dự án Hồ Tràm.
Doanh nhân Horst Geicke (phải) cùng phu nhân Chu Đặng Ngọc Trinh và các lãnh đạo Deutsches Haus. (Ảnh: Internet) |
Ngoài trọng trách ở Hải Vương Tourism JSC, Horst Geicke được biết đến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam với vai trò Chủ tịch Công TNHH Ngôi Nhà Đức thành phố Hồ Chí Minh (Deutsches Haus Ltd) - chủ đầu tư dự án Ngôi nhà Đức tại Tp. HCM (Deutsches Haus).
Deutsches Haus tọa lạc trên khu đất rộng hơn 3.500m2, với 2 mặt tiền (số 33 Lê Duẩn và số 3-5 Lê Văn Hưu, Quận 1. Tp. HCM), có giá thuê 01 đồng trong thời gian 99 năm, theo một Hiệp định giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Đức.
Theo Viettimes