Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, dịch Covid-19 quay trở lại, nhiều chuyên gia nhận định, tình hình giao dịch bất động sản những tháng đầu năm mới Tân Sửu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Dự báo về giá bất động sản trong năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, sau Tết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường, hoạt động mua bán bị hạn chế. Nhưng bất động sản vẫn được xem là kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền, do đó khó có chuyện giảm giá.
"Giá bất động sản 2021 sẽ giữ ở mức độ cân bằng 2020. Bất động sản có xu hướng tăng lên do nhu cầu đầu tư, cũng như nhu cầu thực vẫn rất tiềm năng. Giá bất động sản sẽ ở xu hướng tăng nhẹ", ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc nhận định.
Tuy nhiên, giá nhà liên tục tăng cao, cùng với các sản phẩm chủ yếu là bất động sản cao cấp sẽ khiến thị trường này khó tìm được khách mua.
Chia sẻ với Vnexpress, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty Phú Vinh cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến giá bất động sản khó giảm dù đợt dịch mới bùng lại đầu năm Tân Sửu.
Thứ nhất, lãi suất tiền gửi đang được giữ ở mức thấp kỷ lục nên dòng tiền sẽ chảy sang các kênh tài sản hoặc đầu tư tài chính liên thông như bất động sản, chứng khoán.
Thứ hai là xu hướng tiền rẻ được Fed (Cục dự trữ liên bang Mỹ) cam kết giữ ít nhất trong 3-4 năm tới cho đến khi kinh tế thế giới phục hồi. Xu hướng tiền rẻ này cũng tác động đến thị trường Việt Nam, khiến người dân nỗ lực tìm kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn.
Thứ ba, giá bất động sản được hưởng lợi nhờ đầu tư công của quốc gia, trong đó có rất nhiều công trình hạ tầng trọng điểm trong giai đoạn 2020 - 2021 và sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới.
Thứ tư, thị trường bất động sản nhìn ở rổ hàng sơ cấp vẫn đang thiếu hụt nguồn cung do chính sách thắt chặt, pháp lý khó khăn. Điều này dẫn đến các sản phẩm nhà đất mới được mở bán trong năm Tân Sửu vẫn neo ở vùng giá cao do quy luật cung ít cầu nhiều và hội chứng tăng giá vì khan hiếm.
"Thị trường bất động sản tuy khó giảm giá nhưng kịch bản tăng vẫn cần cú hích về tâm lý là Covid-19 được khống chế để từng bước trở lại bình thường như trước khi có dịch", ông Chánh cho hay.
Nhiều nguyên nhân khiến giá bất động sản khó giảm dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại. (Ảnh: Internet) |
Trước đó, dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi và sôi động trong năm 2021.
Cụ thể, chia sẻ về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, có một số “điểm cộng” thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong năm 2021. Điển hình, thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình hình dịch bệnh cũng như áp dụng công nghệ vào bán hàng. Bên cạnh đó, những luật sửa đổi bổ sung như: Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giảm đáng kể; Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2021 với quy định về huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất nước ngoài trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Một “điểm cộng” nữa là giải ngân đầu tư công nhanh, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Bên cạnh đó là vấn đề lãi suất, đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.
Dự báo về những xu hướng dẫn dắt bất động sản trong năm 2021, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) cho rằng, các xu hướng trong năm nay sẽ duy trì phát triển hoặc biến đổi để phù hợp với nhu cầu hiện tại. Theo các chuyên gia đến từ JLL, có 5 xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm 2021.
Xu hướng thứ nhất là “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp” thường được dùng cho những dự án quy mô lớn. Thị trường bất động sản đang dần trưởng thành, người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để an cư hơn là một không gian để ở đơn thuần. Vì vậy, các nhà phát triển bắt đầu tìm cách thu hút người mua bằng việc kiến tạo những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái bởi quá trình đô thị hóa nhanh và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.
Xu hướng thứ 2 được ghi nhận là những thử nghiệm làm việc từ xa tại văn phòng. Sự thay đổi này được tiến hành ở nhiều doanh nghiệp và “tăng tốc” do dịch Covid-19.
Thêm một xu hướng nữa là thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và kho bãi, trở thành động lực lớn cho thị trường. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng.
Theo Kinh tế Môi trường