Việc đẩy mạnh đầu tư công, cùng với môi trường lãi suất thấp và nguồn cung mới được cải thiện được nhận định là điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam; trong đó có bất động sản nhà ở và khu công nghiệp. Đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt, mở rộng sản xuất kinh doanh.
|
Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 là một trong những Dự án nhà ở xã hội tiêu biểu của Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN |
Theo Công ty CBRE (công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới), các dự án mở bán mới năm 2021 tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ tương đương năm 2020 với tổng số 17.300 căn.
Trong khi việc khắc phục các vấn đề về giấy phép chưa thúc đẩy nguồn cung thị trường tăng ngay lập tức, các chủ đầu tư với dự án sẵn sàng mở bán dường như cũng thận trọng trong việc tung ra số lượng lớn căn hộ để tận dụng xu hướng tăng giá cao hơn nữa tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, các chủ đầu tư cũng cân đối với việc mở bán tại các tỉnh thành lân cận, những nơi đang nhận được nhiều sự chú ý với triển vọng cải thiện cơ sở hạ tầng và giá còn ở mức tương đối hấp dẫn.
Trong khi đó, tại Hà Nội, hầu hết nguồn cung mới sẽ ở khu vực phía Tây của thành phố và nằm dọc các tuyến đường vành đai. Cụ thể, số căn mở bán mới trong năm 2021 tại Hà Nội có thể tăng trưởng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm ngoái, CBRE cho biết.
Giới phân tích cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đầu tư công với thị trường bất động sản.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, xu hướng tăng giá được hỗ trợ nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. SSI kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021, điều này tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải năm 2020, giải ngân vốn của Bộ Giao thông Vận tải đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, dự kiến sẽ đạt 46.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 28% so với năm 2020.
Một số dự án đáng chú ý tại Tp. Hồ Chí Minh dự kiến hoàn thành trong năm 2021, bao gồm tuyến Metro số 1 và cầu Thủ Thiêm 2, cùng một số dự án khác trong trung và dài hạn như tuyến Metro số 2, sân bay quốc tế Long Thành...
Trong khi đó tại Hà Nội, tuyến Metro đầu tiên dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, tuyến thứ hai có thể hoạt động vào quý IV/2021. Cùng đó, việc liên tục hoàn thiện hệ thống đường nội đô cũng như hệ thống giao thông đến các quận ngoại thành sẽ tác động tích cực đến mặt bằng giá đất và gia tăng nhu cầu bất động sản.
SSI ước tính giá bán bất động sản sẽ tăng xấp xỉ 5% tại Tp. Hồ Chí Minh và xấp xỉ 2% ở thị trường Hà Nội so với năm 2020.
SSI cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận tập trung vào các nhà đầu tư có doanh số bán hàng tốt. Năm 2021, các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở những vị trí chiến lược, đã hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ được hưởng lợi.
Các doanh nghiệp có thể kể đến như Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL), Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG)...
Về doanh số bán hàng, năm 2021 dự kiến sẽ là một năm sôi động hơn đối với các chủ đầu tư bất động sản nhà ở, với một số đợt mở bán mới được khởi động, SSI nhận định.
Cùng góc nhìn tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam sẽ phục hồi trong năm nay.
Công ty chứng khoán này cho rằng, các yếu tố vĩ mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, quyết định mua nhà được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và nguồn cung mới cải thiện nhờ nới lỏng các nút thắt pháp lý.
Sức hút bất động sản khu công nghiệp
|
Hòa Phát được giao lập quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN |
Theo SSI, dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động dịch chuyển trong vài năm trở lại đây và Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng này.
SSI cho rằng khi dịch bệnh lắng xuống nhu cầu đối với các khu công nghiệp Việt Nam sẽ tăng đáng kể do nhiều công ty quốc tế trước đó đã chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Một số công ty lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn…
Quy hoạch Khu công nghiệp mới của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 có thể gia tăng diện tích đất khu công nghiệp mới trong tương lai, đặc biệt đối với các khu công nghiệp lớn với tổng diện tích đất trên 1.000 ha đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cụ thể như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bắc – Nam, cảng Cái Mép – Thị Vải và Gemalink có thể giúp kết nối thuận tiện hơn với khu công nghiệp. SSI cho rằng Khu công nghiệp Châu Đức, Phú Mỹ, VSIP và Becamex có thể hưởng lợi từ xu hướng nêu trên.
Bên cạnh đó, giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực, cụ thể thấp hơn khoảng từ 25-30% so với Indonesia và Thái Lan, là các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư FDI. Giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 7-8% tại khu vực phía Nam và từ 5-6% tại khu vực phía Bắc trong năm 2021.
Rõ ràng, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đang có sức hút đặc biệt. Thực tế, một số tập đoàn lớn trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau đang đầu tư mạnh vào mảng này.
Có thể kể đến như trường hợp của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) đã gia nhập bằng việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ).
Theo VHIZ, doanh nghiệp định hướng năm 2021 sẽ đưa vào hoạt động Khu công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng, tiến tới là hàng loạt dự án khác tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thép xây dựng cũng đang tích cực mở rộng các khu công nghiệp.
Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng với diện tích 92,5 ha. Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là nhà đầu tư dự án này.
Theo đó, khu công nghiệp này được nâng lên tổng diện tích 686 ha. Tính đến hết năm 2020, Khu công nghiệp Phố Nối A đã thu hút được 208 dự án thứ cấp; trong đó, 114 dự án trong nước, 94 dự án FDI. Các dự án FDI phần lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2 tỷ USD.
Lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án nhà ở, khu đô thị.
Hiện tại, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 khu công nghiệp bao gồm: Khu công nghiệp Phố Nối A, diện tích 686 ha; Khu công nghiệp Yên Mỹ II giai đoạn 1 (97,5 ha); Khu công nghiệp Hòa Mạc – Hà Nam (131 ha). Khu công nghiệp Hòa Mạc đạt tỷ lệ lấp đầy trên 75% diện tích, trong khi Khu công nghiệp Phố Nối A, Yên Mỹ II đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Thời gian tới, Hòa Phát cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có, đồng thời đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản nhà ở; trong đó, Tập đoàn chú trọng những thị trường có tính thanh khoản cao như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh.
Sức hút từ lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là không thể phủ nhận. Nhiều doanh nghiệp lớn đang “chớp thời cơ vàng” nắm bắt cơ hội đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng này, nhằm tạo đà “bứt tốc” trong tương lai.
Theo Bnews/TTXVN