Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Người dân 8B Lê Trực tiếp tục hành trình căng băng rôn đòi nhà

DTVN 11:40 10/02/2020

Đầu tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo lần thứ 6 về việc xử lý sai phạm tại Dự án số 8B Lê Trực.

Sau nhiều năm các hộ dân 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội) làm đơn kêu cứu, xin được về nhà ở nhưng không được các ngành chức năng xem xét, giải quyết. Các hộ dân bức xúc cho rằng, chính quyền là vì dân nhưng nhiều năm qua, các hộ dân mua nhà 8B Lê Trực lại chưa được chính quyền quan tâm đúng mức.

Đến bao giờ mới có nhà?

Chiều ngày 8/2, mặc cho thời trời giá rét, mặc cho những nguy cơ về dịch viêm phổi cấp Corona đang hoành hành, hàng trăm khách hàng vẫn cùng nhau xuống đường căng băng rôn, biểu ngữ đi tìm quyền lợi với các dòng chữ “Yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền trả nhà cho cư dân – Mua nhà đã 5 năm nhưng chúng tôi chưa được về ở”, “Kính đề nghị Chủ tịch Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm để trả nhà cho chúng tôi 8B Lê Trực” ngay dưới cổng vào công trình.

Khách hàng mua căn hộ tại công trình sai phạm 8B Lê Trực căng băng rôn đòi nhà

Sau đó, nhiều khách hàng cũng đã kéo nhau tới trụ sở UBND phường Điện Biên để yêu cầu đối thoại, tuy nhiên, không được hồi đáp.

Người dân 8B Lê Trực mong muốn được đối thoại với UBND phường Điện Biên.

Một số người mua nhà tại 8B Lê Trực cho biết, đây không phải lần đầu tiên khách hàng căng băng rôn đòi nhà. Lần tập trung này xuất phát từ thông tin cơ quan chức năng đưa cẩu tháp vào công trình để thực hiện cưỡng chế giai đoạn 2, phá dỡ tầng 17, 18 của công trình nhưng chưa có phương án cưỡng chế phá dỡ được phê duyệt.

Nhiều người lo ngại, việc phá dỡ khi chưa có phương án rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu cũng như không đảm bảo cho công trình sau cưỡng chế đưa vào sử dụng. Để đảm bảo quyền lợi, nhiều chủ căn hộ ở đây mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân - chủ căn 1002 cũng bức xúc chia sẻ với Báo Xây dựng: “Chúng tôi không chấp nhận phương án phá dỡ bởi tầng 18, 17 là tài sản hợp pháp của chúng tôi. 2 tầng đấy đã được cấp phép và có trong quy hoạch xây dựng cho tiết 1/500 được duyệt”.

“Tại sao lại phá, phá trên cở sở nào? Đây là tài sản của dân, được pháp luật bảo hộ”, chị Xuân đặt dấu hỏi.

Chị Xuân cũng bày tỏ: “Chúng tôi chỉ thấy là phường có thông báo là lắp đặt cẩu tháp để phá dỡ gia đoạn 2 tầng 17, 18. Nhưng khi chúng tôi hỏi cả UBND quận và phường rằng phá dỡ dựa trên cơ sở nào thì không ai trả lời được. Mà 2 tầng này đều có trong GPXD và quy hoạch chi tiết 1/500. Vậy cớ gì mà xâm hại tới tài sản hợp pháp của chúng tôi”.

Cũng là khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực, Trên Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tuấn bức xúc cho hay: “Tôi là cư dân ở đây, tôi đề nghị, chính quyền khi phá dỡ, cưỡng chế phải đúng quy định là công khai phương án phá dỡ và phương án đó phải được lấy ý kiến người dân. Nguyên tắc, phương án phải đảm bảo an toàn trong khi tháo dỡ và đủ điều kiện an toàn sau này cho người dân khi về ở”.

Nhiều chủ căn hộ khác cũng cho rằng, chính quyền cần có động thái đối thoại để nghe ý kiến của những người dân có quyền lợi tại dự án này.

“Là người dân mua nhà hợp pháp tại đây, chúng tôi mong các cơ quan chức năng giải quyết sao cho chúng tôi được về căn hộ đã mua chứ không đòi hỏi gì hơn", chủ căn hộ 503 nói.

Trao đổi trên Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết: “Chiều nay thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Thành phố và Quận, UBND phường đã chuẩn bị công tác xử lý giai đoạn 2 của dự án 8B Lê Trực chúng tôi chưa cưỡng chế gì cả mà chỉ chuẩn bị cho công tác cưỡng chế. Nếu cưỡng chế thì phải chờ kế hoạch cưỡng chế của cấp có thẩm quyền”.

Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực: "Chúng tôi sẽ khởi kiện"

Ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực trao đổi với Báo Xây dựng cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên các hộ dân căng băng rôn khẩu ngữ đòi nhà mà đã quá nhiều lần rồi, việc kéo dài quá lâu rồi. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều với thành phố Hà Nội và các cơ quan cấp cao nhưng vẫn chưa được xử lý”.

“Chúng tôi sẽ khởi kiện nếu việc này tiếp tục kéo dài. Vì chúng tôi chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ tháng 3 năm 2016. Từ giai đoạn 1, cơ quan cưỡng chế phá dỡ đã phá dỡ xong tầng 19, tầng 20 . Cứ coi phần đấy sai so với GPXD, nhưng GPXD đó lại cấp sai, không đúng tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam và chiều cao so với các tầng, kể cả theo quyết định số 11 mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký. Bởi theo quyết định này thì tất cả các công trình trong nội đô, không có công trình nào cao 18 tầng mà 53 m cả. Tất cả đều quy định 18 tầng phải là 65m”, Ông Hùng chia sẻ thêm về thông tin cấp phép sai đối với công trình.

Ông cũng cho rằng, có việc cấp sai nhưng lại không ai xem xét. Việc dùng một GPXD cấp sai, không đúng tiêu chuẩn để xử lý vi phạm trật tự xây dựng như vây là không đúng. Việc này không chỉ khiến cho chính quyền bế tắc mà chủ đầu tư cũng bị “giam chết” 5 năm nay.

Công trình 8B Lê Trực.

Phía Công ty cũng cho rằng, việc cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực, Công ty CP May Lê Trực yêu cầu việc phá dỡ phải được thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật. Cụ thể, phải có phương án thiết kế tháo dỡ, được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, được Phòng Quản lý đô thị xem xét cho ý kiến giải pháp phá dỡ trước khi trình UBND quận ra quyết định phê duyệt. Các ngành chức năng không thể thực hiện theo kiểu nóng vội như hiện nay.

Đại diện lãnh đạo Công ty cũng cho biết, việc phá dỡ giai đoạn 1 trước đó cũng đang vi phạm vì không đúng trình tự pháp luật. Phá tòa nhà từ tháng 3 nhưng đến tháng 10/2016, sau khi phá xong vẫn chưa có phương án phá dỡ, chưa có dự toán vẫn bắt chủ đầu tư trả tiền.

“Chúng tôi đã yêu cầu UBND quận, UBND phường hoàn chỉnh hồ sơ phá dỡ giai đoạn 1 để chúng tôi thanh toán tiền nhưng đến nay vẫn không có phương án phá dỡ được thẩm tra và được phê duyệt”, ông Hùng nói.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nguoi-dan-8b-le-truc-tiep-tuc-hanh-trinh-cang-bang-ron-doi-nha-d69952.html

Bạn đang đọc bài viết Người dân 8B Lê Trực tiếp tục hành trình căng băng rôn đòi nhà tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc