Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Cơ hội sẽ còn mở ra cho bất động sản nghỉ dưỡng

ĐTVN 11:29 28/03/2020

Sự sụt giảm đáng kể của lượng khách quốc tế, cùng với sự sụt giảm thị trường khách nội địa, đã gây ra những tổn thất không nhỏ đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhưng cơ hội sẽ còn mở ra.

Dịch bệnh kéo lượng khách du lịch sụt giảm

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.

Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn vào thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc (chiếm khoảng 56% tổng lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam - PV) trong khi đây là những quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh.

Thêm vào đó, trong 2 tuần qua, dịch bệnh đã trở nên ngày càng phức tạp hơn tại khu vực châu Âu và châu Mỹ, trong khi 2 thị trường này cũng chiếm tới 17% tổng lượt khách đến Việt Nam trong năm 2019.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020, lượng khách trong, ngoài nước đều giảm mạnh với trên 12.800 phòng khách sạn bị hủy (tương đương trên 16.000 khách). Hơn 7.600 khách hủy tour đến Hà Nội, khoảng 6.000 khách trong nước đi du lịch Đài Loan, Trung Quốc cũng huỷ chuyến.

Bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương Mauro Gasparotti cho biết, để ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài. Đây là một chiến lược tốt để giảm tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm dù có thể sẽ gây ra tác động đến ngành du lịch Việt Nam, dự báo lượt du khách quốc tế sẽ còn giảm mạnh hơn trong thời gian tới.

Trong khi lượng khách quốc tế đang giảm mạnh, thì nhu cầu du lịch của du khách nội địa cũng giảm đáng kể do người dân ngày càng e ngại hơn khi phải đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu, nhà hàng, và khu vui chơi giải trí.

Trên thực tế, nhu cầu du lịch trong nước phụ thuộc lớn vào khả năng đối phó với dịch bệnh của Chính Phủ Việt Nam” - ông Mauro Gasparotti nhìn nhận.

Cơ hội sẽ còn mở ra cho bất động sản nghỉ dưỡng

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân gặp khó khăn nên họ sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiêu dùng chứ không phải là nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bất động sản..

Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường bất động sản tất yếu sẽ chững lại và sẽ là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế.

Trong đó bất động sản du lịch nghỉ dưỡng càng khó khăn hơn. Nhiều khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì vắng khách. Tương tự, các phân khúc bán lẻ, văn phòng cũng bị ảnh hưởng bởi người dân ít ra ngoài đường và không đến chỗ đông người.

Đối với các chủ đầu tư, sàn giao dịch giai đoạn này cũng bị ảnh hưởng bởi giao dịch bị ách tắc, thị trường không có thanh khoản, không có nguồn thu để chi trả cho các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm nhân viên, thu hẹp quy mô và phạm vi hoạt động thậm chí đóng cửa. Các sàn giao dịch không bán được hàng cũng sẽ không có hoa hồng để trả cho nhân viên.

Nhìn chung, nhu cầu mua bất động sản để đầu tư vẫn có nhưng sẽ hạn chế và nếu tiếp tục kéo dài có thể làm cho giá bất động sản hạ thấp tronbg thời gian tới. Đây là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế, không chỉ các doanh nghiệp bất động sản.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nguyên Thứ trưởng cho rằng, cần xem COVID 19 là một loại thiên tai bất khả kháng và kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản được liệt vào danh sách các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và nhận ưu đãi của Chính phủ.

Dự kiến, sang tới năm 2021 nền kinh tế nói chung mới có thể phục hồi lại hoàn toàn. Cùng với những tiềm năng sẵn có, đương nhiên sau khi kinh tế phục hồi, hoạt động du lịch quay trở lại thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.

Nếu chúng ta làm tốt hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và tư duy chính sách thì lượng khách sẽ còn tăng hơn nữa, cơ hội sẽ còn mở ra cho các nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, ông Võ nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo, ngành du lịch Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, ngành công nghiệp không khói có khả năng phục hồi nhanh hơn so với các ngành nghề khác.

Chúng ta cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới. Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn.

Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước” - ông Mauro Gasparotti nhận định.

Nam Phương/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/co-hoi-se-con-mo-ra-cho-bat-dong-san-nghi-duong-d72515.html

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội sẽ còn mở ra cho bất động sản nghỉ dưỡng tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc