6 ô đất tại dự án Khu nhà ở Him Lam Vĩnh Tuy đã được thế chấp
Được biết, dự án Khu nhà ở Him Lam Vĩnh Tuy do Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Tuy làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của chủ đầu tư.
Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Tuy được thành lập bởi 3 cổ đông sáng lập là Công ty Thực phẩm Miền Bắc, Công ty CP Him Lam, Công ty TNHH Trung Cần.
Dự án có diện tích quy hoạch 16,2 ha, quy mô 147 căn, trong đó có 90 lô biệt thự, 22 biệt thự nhà vườn (diện tích từ 200 – 400m2) và 35 lô liền kề diện tích từ 85m2.
Phối cảnh dự án Khu nhà ở Him Lam Vĩnh Tuy. |
Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Tuy đã đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất các ô đất sau: NO1-1 (diện tích 4.730 m2), NO2-1 (diện tích 6.112 m2), NO2-2 (diện tích 12.386 m2), NO3-1 (diện tích 7.353 m2), NO3-2 (diện tích 5.017 m2) và NO3-3 (diện tích 4.997 m2) tại dự án Khu nhà ở Him Lam Vĩnh Tuy.
Thông báo về việc bổ sung danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai vừa được Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) công bố.
Các ô đất tại dự án Khu nhà ở Him Lam Vĩnh Tuy được chủ đầu tư thế chấp tại Ngân hàng TMCP Liên Việt các chi nhánh Thăng Long, Tiết kiệm Bưu Điện, Hải Phòng, Gia Lâm, Ba Vì.
Khách hàng cần biết
Theo luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư được phép thế chấp dự án tại ngân hàng, đây cũng là nghiệp vụ tài chính thường gặp. Điều 147, Luật Nhà ở 2015 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Trao đổi trên Báo Đầu tư Bất động sản, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, đa phần khách hàng hiện nay chưa hiểu hết các vấn đề pháp lý. Theo ông Hà, nếu như chủ đầu tư vay vốn ngân hàng dưới hình thức thế chấp tài sản nhà, đất và có đăng ký thông tin thế chấp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, dự án đó chắc chắn đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tính pháp lý dự án đã được Nhà nước đảm bảo.
Khi bán hàng, họ sẽ tiến hành thủ tục giải chấp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tất nhiên, vẫn có thể xảy ra một số trường hợp chủ đầu tư không thể giải chấp, nhưng đã bán cho khách hàng.
Việc thế chấp cả những căn hộ đã bán là vi phạm pháp luật. Khi mua nhà, vấn đề đáng quan tâm của khách hàng ở đây không phải là dự án đó có thế chấp ngân hàng hay không mà qua trọng là căn hộ của họ mua có bị thế chấp hay không.
Bên cạnh đó, nếu như có xảy ra câu chuyện khách hàng mua căn nhà chưa được giải chấp, thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm và giải quyết mọi rủi ro vì quản lý tài sản thế chấp không tốt, để chủ đầu tư bán cho khách hàng. Về bản chất, nếu như người dân đã trả toàn tiền cho chủ đầu tư thì tất yếu sẽ được sở hữu căn nhà đó mặc dù chưa có sổ đỏ và theo luật, không ai có thể tước bỏ quyền sở hữu của họ.
Nhưng dù sao nếu như trường hợp xấu nhất xảy ra, là khách hàng mua phải những căn hộ chưa được giải chấp, thì người đang chịu thiệt nhiều nhất là khách hàng. Bởi không được cấp sổ đỏ dẫn đến tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không thể thực hiện các giao dịch thế chấp vay tiền hay mua bán, tặng cho… Do đó, xảy ra tâm lý hoang mang, lo sợ trước nguy cơ bị mất nhà của các cư dân là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, pháp luật cũng đã quy định rõ, chủ đầu tư chỉ được phép thế chấp phần còn lại bao gồm các căn hộ chưa bán hoặc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Chủ đầu tư nếu muốn thế chấp dự án khi đã bán cho khách hàng thì phải liệt kê trong đó gồm những gì, trong đó những căn hộ nào, hạng mục nào không nằm trong tài sản thế chấp để không ảnh hưởng đến người mua nhà.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ