Về dư nợ tín dụng bất động sản, tính đến hết quý 3/2019 là 486.683 tỷ đồng, duy trì ổn định so với năm 2018. |
Bộ Xây dựng vừa công bố có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của ngành Xây dựng.
Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo là thống kê tình hình bất động sản trong 2019 và dự báo trong 2020.
Theo đó, trong năm 2019 tổng số giao dịch nhà đất thành công khoảng 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Số lượng bất động sản nghỉ dưỡng như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có khoảng 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.
Về giá bất động sản năm 2019, Bộ Xây dựng cho biết tại thị trường Hà Nội giá căn hộ chung cư quý 4/2019 tăng khoảng 0,54% so với cùng kỳ; giá nhà ở nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ. Tại Tp.HCM: giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,52% so với cùng kỳ; giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.
Về dư nợ tín dụng bất động sản, tính đến hết quý 3/2019 là 486.683 tỷ đồng, duy trì ổn định so với năm 2018.
Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản thì có thể dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”.
Tuy nhiên, Bộ nhìn nhận trong năm 2020 thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.
Thị trường cũng có thể sụt giảm ở một số phân khúc do cung cầu hoặc không có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho một số dự án bất động sản, nhất là tại Hà Nội và TP. HCM.
Liên quan đến công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã rà soát, xây dựng tiến độ (điều chỉnh), đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 đối với Tổng công ty HUD và VICEM.
Trong đó, VICEM thuộc danh mục thực hiện CPH đến hết năm 2020, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Tổng công ty HUD thuộc danh mục thực hiện CPH đến hết năm 2020, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ.
Về công tác thoái vốn đã thực hiện thoái thành công 69.000.000 cổ phần, tương đương 15,39% vốn điều lệ, giảm vốn nhà nước về 38,58% tại Tổng công ty VIGLACERA, thu về 1.587 tỷ đồng. Các Tổng công ty khác đã cơ bản đã hoàn thành định giá doanh nghiệp để thoái vốn.
Bộ đánh giá, nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp thuộc Bộ về cơ bản đã đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo Tài chính Doanh nghiệp