Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Lý do hàng loạt doanh nghiệp địa ốc liên tiếp thua lỗ

DTVN 09:43 20/09/2020

Những kết quả này do bị tác động bởi đại dịch Covid-19, hay từ nguyên nhân nào khác? Và cái đích là các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã vượt “ải” trong muôn trùng khó khăn

Thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, từ đầu năm đến nay chỉ có 14 dự án đủ điều kiện huy động vốn, giảm 10 dự án so với cùng kỳ năm trước (-41,6%); tổng số căn hộ đưa ra thị trường đạt 4.569 căn (-37,5% so với cùng kỳ); phân khúc căn hộ trung cấp (giá 20-40 triệu đồng/m2 1.243 căn hộ (-67,6% so với cùng kỳ); phân khúc căn hộ giá bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) 163 căn (-86,9% so với cùng kỳ)…

Theo ghi nhận của ĐTTC, hầu hết doanh nghiệp BĐS đều phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự, tìm mặt bằng có chi phí thấp hơn để duy trì, thậm chí dời văn phòng công ty về nhà, chỉ để giấy phép đăng ký kinh doanh tồn tại, còn mọi việc đều tạm ngưng. Ông Đoàn Chí Thanh, Chủ tịch Công ty Địa ốc HASG, cho biết công ty vừa dời trụ sở có mặt bằng khá lớn tại một quận trung tâm về con đường nhỏ ở quận Tân Bình nhằm tiết giảm chi phí. Cùng với việc thu hẹp văn phòng công ty, doanh nghiệp cũng chỉ giữ lại những bộ phận chủ chốt để làm việc. Giám đốc một sàn môi giới chia sẻ, sàn giao dịch này mới “ra riêng” được hơn 1 năm thì gặp đại dịch, phải cho toàn bộ nhân viên môi giới và các bộ phận gián tiếp nghỉ việc, văn phòng dời về… nhà.

Ông Thân Quý Phái, Tổng giám đốc CTCP 557, cho biết công ty cũng đã phải cắt giảm hơn 10 lao động là các kỹ sư, bộ phận kỹ thuật… Nguyên nhân do thủ tục các dự án của công ty triển khai đang bị tắc. Khi triển khai được các bước tiếp theo mới tính tiếp, nhưng xem ra thủ tục bị tắc nghẽn không biết bao giờ mới thông.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, cho biết 8 tháng năm 2020 toàn TP có hơn 26.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 562.000 tỷ đồng (giảm 6,7% số lượng doanh nghiệp, tăng 23% về số vốn đăng ký). Song bên cạnh đó gần 21.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 5%), trong đó 3.566 doanh nghiệp đã hoàn thiện thủ tục giải thể tại Sở KH-ĐT, tăng 12,31% và 10.382 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Trong hàng ngàn doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động thời gian qua có không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS

Hàng loạt doanh nghiệp liên tiếp báo lỗ

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã CK: LGL) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét với những biến động khá lớn về lợi nhuận so với báo cáo tự lập công bố trước đó.

Cụ thể, doanh thu thuần của LGL trong nửa đầu năm 2020 đạt 73,8 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của LGL âm 58,2 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với con số lỗ 5,5 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Giải trình về sự chênh lệch trên, Ban lãnh đạo Long Giang Land cho biết, trong kỳ tập hợp bổ sung các chi phí do Công ty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương góp vốn vào dự án Vũ Trọng Phụng để xác định giá thành hàng hoá bất động sản thuộc dự án này số tiền là 38,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty cũng chuyển bổ sung giá vốn các căn hộ dự án 69 Vũ Trọng Phụng đã bàn giao hạch toán doanh thu 6 tháng đầu năm là gần 7,7 tỷ đồng; hạch toán chia lợi nhuận bổ sung từ lợi nhuận sau thuế dự án Thành Thái là 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn theo báo cáo tài chính công ty con, công ty liên kết số tiền là 1,2 tỷ đồng, huỷ bút toán ghi nhận cổ tức từ Công ty Xuân Thuỷ số tiền là 1,1 tỷ đồng; kết chuyển bổ sung chi phí lãi vay quý 1/2020 số tiền 2,5 tỷ đồng, kết chuyển bổ sung chi phí khấu hao tài sản cố định số tiền 1,9 tỷ đồng...

Còn theo kết quả trên báo cáo tài chính bán niên sau soát xét của Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm (mã NTL), kết thúc quý II doanh thu thuần giảm 101 tỷ đồng, giảm 68% với với cùng kỳ 2019. Doanh nghiệp này cũng cho biết doanh thu 2 quý đầu năm cũng sụt giảm nghiêm trọng, lợi nhuận gộp tương ứng giảm 47% còn 60 tỷ đồng. Trong khi đó, NTL cho biết chi phí bán hàng tăng đột biến gần 26 lần, kết quả công ty báo lãi giảm phân nửa so với cùng kỳ.

“Ông lớn” Đất Xanh (Mã DXG) cũng cho biết trong nửa đầu năm 2020 DXG lỗ ròng hơn 488 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản khá trầm lắng, giao dịch mua bán nhà giảm khoảng 70%, doanh thu giảm 80%, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng tiền và thanh khoản.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ly-do-hang-loat-doanh-nghiep-dia-oc-lien-tiep-thua-lo-d82708.html

Bạn đang đọc bài viết Lý do hàng loạt doanh nghiệp địa ốc liên tiếp thua lỗ tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản