Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 06/12/2024

Có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật?

DTVN 14:02 16/09/2020

Chiều 15/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đặc biệt là việc có nên tách luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 luật.

Theo Tiền Phong đưa tin, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.

Theo đó, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ quy định về các vấn đề của giao thông đường bộ như: kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống báo hiệu, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông, vận tải, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật.

Đáng chú ý, các nội dung như quy tắc về giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không quy định tại đây. Nội dung này được chuyển sang dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQP-AN) Võ Trọng Việt cho biết, cơ quan này tán thành với tờ trình của Chính phủ về việc tách thành 2 luật (Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ) và sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tuy nhiên, ông Việt cho rằng nội dung dự luật còn liên quan đến nhiều luật cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; một số quy định trong dự luật trùng lặp với quy định của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ… Do đó, UBQP-AN đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình băn khoăn: "Tại sao phải tách thành hai luật?". Một vấn đề tổng thể nhưng làm hai bộ luật để hai bộ quản lý có thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. "Chúng ta điều chỉnh giao thông đường bộ hay đặt vấn đề những lĩnh vực quản lý cụ thể của từng bộ?", ông Bình nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi vì sao lại tách ra thành 2 dự án luật và cho rằng có những lĩnh vực tách ra và đi theo 2 hướng khác nhau thì tính thống nhất sau này rất khó. Vì vậy, cần nghiên cứu làm 1 luật điều chỉnh chung tổng thể và Chính phủ phân công trách nhiệm quản lý chuyên ngành, lĩnh vực.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, việc tách luật sẽ làm hỏng kết cấu tổng thể của các luật quy định về giao thông hiện có, vì mục tiêu đều là bảo đảm trật tự an toàn giao thông. "Không nên tách để đảm bảo tính tổng thể, thống suốt. Còn việc phân công trách nhiệm, Chính phủ đề xuất và Quốc hội có thể chấp nhận chứ không nhất thiết phải tách", bà Nga nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng nếu tách hai luật thì không còn tổng thể và "làm công tác lập pháp trở nên rắc rối". Cần phải tính tới tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ông băn khoăn nếu tách Luật Giao thông đường bộ như trên thì có tách riêng phần đảm bảo trật tự an toàn trong Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng hay không?

Giải thích về vấn đề này, Thứ trưởng Tư pháp Đặng Hoàng Oanh giải thích, vấn đề tách luật được Chính phủ bàn bạc kỹ suốt nhiều tháng qua, thống nhất tách thành hai luật bằng Nghị quyết 123. "Tai nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ chiếm tới hơn 90% trong khi các lĩnh vực giao thông khác thì rất ít. Trước mắt Chính phủ đề xuất tách luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Các lĩnh vực khác có tách không thì trên cơ sở đánh giá, tổng kết thi hành các luật khác", bà Oanh nói.

Không đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thị Nga lập luận, trong lĩnh vực hàng không hay đường sắt nếu xảy ra tai nạn cũng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới rất nhiều người. Do đó, lý do đường bộ bị tai nạn nhiều nên phải tách luật là chưa thuyết phục.

Tiếp nhận các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết cơ quan soạn thảo sẽ xem xét từng điều, từng ý trong 2 dự thảo luật để bảo đảm sự bóc tách rõ ràng, không để trùng lắp.

Hoài Thu (T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/co-nen-tach-luat-giao-thong-duong-bo-thanh-hai-luat-d82549.html

Bạn đang đọc bài viết Có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị