Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Giải pháp nào cho 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ ngành Công Thương?

Mai Hương(T/H) 08:27 24/05/2020

Các dự án thua lỗ ngành Công Thương nếu phát sinh thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu có thể cho phá sản.

Tình trạng của 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương

Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại của 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương.

Cụ thể, hiện chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng Nhà máy thép Việt - Trung (trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế, 1 dự án đang được xem xét đưa ra khỏi "danh sách đen"); 3 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bị bỏ hoang. Ảnh: Lao Động.

Theo đó, so với năm 2017, năm 2018: Nhà máy Phân đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, năm 2019: Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 134 tỷ đồng, Công ty DQS giảm lỗ 64,04 tỷ đồng, Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 239 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 178,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. Có 5/12 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc EPC với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công.

5 dự án này gồm: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP. Gang thép Thái Nguyên. Tất cả các dự án này đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm toàn bộ hoặc một phần.

Thực tế cho thấy, tình trạng chung hiện nay là dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện tại, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỷ đồng.

Toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được thanh tra, kiểm toán, điều tra ở các cấp độ khác nhau để phát hiện các sai phạm, vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. (Cụ thể, 12 dự án, doanh nghiệp đều được thanh tra ở các cấp độ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành và Thanh tra của địa phương với tổng số 24 cuộc thanh tra, trong đó có 22 cuộc đã có kết luận thanh tra).

Kiên quyết cho phá sản dự án 'càng xử lý càng mất vốn'

Tranh chấp, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định giá trị quyết toán do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị so với Hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký”, báo cáo chỉ ra.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp thuế của Hợp đồng; Tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử; giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với Hợp đồng EPC đã ký; yêu cầu bồi thường chi phí dịch vụ kỹ thuật kéo dài, chi phí bảo dưỡng khắc phục hư hỏng thiết bị, chi phí chờ đợi hướng dẫn lắp đặt thiết bị, chi phí thay đổi thiết kế, sửa chữa công trình đã thi công...

Việc đàm phán giải quyết tranh chấp đến nay vẫn không thành công. Trước thực trạng này, báo cáo của Chính phủ nêu ra 2 giải pháp xử lý.

Một là, đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử.

Hai là, chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64/2018/TT-BTC đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.

Theo đó, đối với giải pháp đưa ra phân xử thông qua trọng tài hoặc tòa án, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC (nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các Hợp đồng EPC.

Bên cạnh đó, Báo cáo Chính phủ cũng cho biết, với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục sẽ kiên quyết thực hiện phá sản, giải thể để thu hồi tối đa vốn, tài sản của nhà nước.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, ngày 3/4. Ảnh: VGP

Quan điểm "không cứu các dự án thua lỗ không thể phục hồi" một lần nữa được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhắc lại tại cuộc họp xử lý các dự án thua lỗ ngành Công Thương vào sáng ngày 3/4 vừa qua. Các dự án thua lỗ ngành Công Thương nếu phát sinh thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu có thể cho phá sản.

Theo báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi. Một số phương án đưa ra nhiều lựa chọn thực hiện nên chưa xác định tiến độ, thời hạn xử lý.

Ông Trương Hoà Bình yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, phân tích từng dự án để có phương án khả thi nhất. "Dự án nào không thể phục hồi thì cho giải thể, phá sản, chứ không nói chung chung là đang tốt hơn song thực tế vẫn đang lỗ nặng. Càng xử lý, càng mất vốn", ông nói thêm.

Số liệu đến cuối năm 2019, tình hình tài chính của 12 dự án thua lỗ vẫn rất báo động. Đơn cử, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ lỗ luỹ kế hơn 5.120 tỷ đồng, tăng 12%; trong khi tổng nợ phải trả trên 7.806 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ gần 209 tỷ đồng, tăng hơn 94 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc lỗ 342 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất lỗ luỹ kế hơn 3.841 tỷ; tổng nợ phải trả trên 6.918 tỷ đồng.

Hay dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ luỹ kế gần 1.400 tỷ đồng, tổng nợ gần 1.843 tỷ đồng... Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tổng nợ phải trả đến hết tháng 8/2019 lên đến hơn 3.000 tỷ.

Theo ông Bình, quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi việc cần chi phí để xử lý dự án, tái cơ cấu phục hồi...

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/giai-phap-nao-cho-12-du-an-thua-lo-ngan-ty-nganh-cong-thuong-d76294.html

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ ngành Công Thương? tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản